Tuần vừa rồi là 1 tuần buồn, vì vài ba biến cố. Hôm nay ngồi làm vẫn nghĩ vẩn vơ, chẳng biết bao giờ chấm dứt trạng thái này. 1 ngày, 2 ngày hay 3 ngày nữa ?

Thằng bạn gửi mình 1 link. Đọc xong cảm xúc thay đổi. Nỗi buồn thay thế bằng sự phẫn nộ. Con người của 1 loại chủ nghĩa lý tưởng hành xử không cảm xúc tới độ mất nhân tính tới như vầy sao.

Quà Giáng sinh

Sau khi mười mấy cảnh sát thường phục áp giải tôi về trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm vào hồi 10h5′ sáng qua, tôi bị buộc phải cầm mọi thứ trong túi xách bầy lên bàn. Cả gói băng vệ sinh phụ nữ.

Một cảnh sát được cử giữ riêng điện thoại để tránh trường hợp tôi xoá mọi dấu tích các cuộc gọi quan trọng. Cuộc đấu tranh giữa cảnh sát và người bị bắt được nửa tiếng thì tôi đề nghị:

– Con tôi tan học lúc 11h trưa, tôi muốn về đón con!

Lúc 11h kém 10 tôi quá bức xúc nên yêu cầu được cho gọi điện cho người nhà, để đón con tôi về.

Họ đồng ý cho gọi điện về nhà. Bố cháu giúp tôi đón cháu, chở con về nhà, cho con vào nhà, khoá cửa đi. Con gái tôi gọi điện nói, mẹ ơi, con vào trong nhà rồi nhưng con không có chìa khoá vào phòng đâu mẹ ạ.

Nhà tôi là một công trình đang xây dở 4 tầng, chỉ có 1 phòng duy nhất có thể để đồ đạc và ngủ, còn lại toàn sửa dở, trống trải bẩn thỉu. Làm sao lại để cho một đứa trẻ lớp 2 ngủ giữa công trình xây dựng vắng vẻ được? Tôi an ủi con và nói, con kiếm một góc giường chiếu nào ngủ đi. Ngủ dậy mẹ sẽ hôn để đánh thức con nhé. Nghe tiếng con gái là lúc đầu tiên tôi chảy nước mắt tại Công an Hoàn Kiếm. Họ doạ, nạt, vặc, mắng, nghiến răng, lườm, trợn, chòng chọc, cau, tôi không thấy đáng sợ bằng cảm giác êm ái khi nghĩ đến con và giấc ngủ trên nền chiếu cứng trưa nay của con. Vì tôi là một người mẹ.

Họ lần lượt đi ăn, chia ca đi ăn còn lại ngồi thẩm vấn tôi liên tục. Tôi đói lắm. Nhưng cho đến sau 2 tiếng mọi người ăn nghỉ xong mới phát hiện tôi vẫn bị bỏ đói (và khát chỉ mình tôi biết), họ vội vã đi mua 1 cái bánh mì nguội. Tôi rất tự ái và cũng nói thật với họ là tôi không tài nào nuốt nổi. Tôi chỉ nghĩ con tôi thế trưa nay ăn gì? Gia đình tôi hơi khác các gia đình khác nên tôi cố gắng để con tôi được nhiều chăm sóc hơn.

Họ ăn xong bữa trưa rồi ăn đến bánh kẹo bữa lỡ, vỏ bánh kẹo khỏi tay là vứt bừa xuống gậm bàn. Tôi đói lắm.

Tôi nghĩ nếu không được về với con tôi sẽ tuyệt thực và cũng không uống nước để phản đối. Lúc đó các anh phóng viên trong Sài Gòn cũng như phóng viên báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội đều gọi điện động viên tôi, nói, tại sao em không phản ứng dữ lên, nói tình cảnh gia đình của em ra, yêu cầu họ phải cho em về, thích làm việc thì đúng giờ hành chính tôi sẽ lên làm việc với anh, còn tôi phải về với con tôi. Tôi nói, em đã nói hàng chục lần từ mấy tiếng đồng hồ nay, nói với tất cả mọi người. Họ vô cảm trơ trơ như đá. Những cú điện thoại lúc ấy là những động viên vô giá với tôi. Khi phát hiện ra, công an tước luôn máy và không cho nghe mọi cuộc gọi, họ tự mở đọc mọi tin nhắn lúc đó, tự gọi lại, thậm chí hôm nay 1 người bạn tôi nói, thật may, họ gọi cho anh nói, anh ơi hãy đến đây giúp đỡ Trang Hạ. Anh ấy hỏi đây là đâu thì họ không nói rành mạch, anh không đi vì anh ấy biết là tôi không bao giờ cầu cứu ai kiểu đó.

Bắt đầu từ 2h chiều, tôi bắt đầu nổi nóng.

Tôi nhớ khi miêu tả tâm lý những người đi tù lâu, nhà văn thường kể giai đoạn đầu mới vào tù sẽ gào thét đập phá, rồi sẽ khóc lóc nức nở. Giai đoạn sau năn nỉ, hiền lành, lý lẽ mềm dẻo cam chịu, hy vọng tranh thủ được tí cơ hội nào. Còn giai đoạn tù lâu năm, người tù sẽ buông xuôi đờ đẫn, ngày tự do mở cửa, có người tù còn chả buồn bước ra.

Tôi thấy tôi vừa vào Công an quận Hoàn Kiếm mấy tiếng, tôi đã có triệu chứng đờ đẫn của một người đã bị tù hãm lâu. Tôi sợ quá. Tôi muốn phá tan sự bất bình thường đó, nên bắt đầu gào. Tôi nhớ là tôi hét hai lần với một con trinh sát nghe trộm điện thoại của tôi: TỔ SƯ CON MẶT LỒN NGHE TRỘM ĐIỆN THOẠI TAO!

Họ bèn lôi tôi sang phòng khác.

Lúc đó là khoảng 3h chiều. Tôi nói trong nước mắt, các anh chị cũng là bố mẹ, các anh chị cũng phải nuôi dạy con cái, đẻ con ra ai cũng phải có trách nhiệm với nó, cho nó ăn nó ngủ, cho nó học hành. Chẳng lẽ chỉ có các anh chị có con thôi còn người khác thì không hay sao? Họ bảo, chị chưa xong, chị cứ ngồi đây. Lúc đó có một bản lời khai mới của người mới bị bắt, họ mang sang và thẩm vấn lại tôi, vì sao tôi giấu không nhắc tới một người tên là X., vì sao tôi quen anh ta, tại sao người kia nói quen tôi ở A mà tôi lại nói mới gặp hôm đi biểu tình ở B? Vậy lần đầu tiên gặp X tôi đã uống một chén trà hay một chén cà phê?

Tôi khai xong một bản bổ sung, và đề nghị, bây giờ đã gần 5h, hãy để tôi về.

Tôi muốn về vì bây giờ là 5 giờ. (Không ai hỉểu 5h chiều ngày thứ Bảy này quan trọng với tôi hơn bất cứ lúc nào. Vì tôi là một người mẹ.)

Họ bắt đầu ăn tối.

Tôi đói lắm. Tôi không uống nước nên tôi cũng không đi tiểu được.

Họ ăn mì tôm, họ ăn bánh mì, họ ăn sắn luộc, họ ăn ngô luộc, họ hỏi tôi có ăn bánh mì không? Tôi lắc đầu. Tôi đói thứ khác, như thể đói tình người. Chắc gì giờ này con tôi có gì vào bụng chưa? Có người mẹ nào nuốt nổi không?

Một anh công an ân cần giới thiệu cho tôi cái bánh mì suất trưa của tôi vẫn trước mặt, tôi buồn bã mách cho anh biết: Nó thiu rồi anh ạ.

Họ ăn xong họ uống. Họ hỏi tôi có uống sữa không. Tôi nức nở nói:

– Tôi không cần uống sữa đâu, nhưng con tôi đang cần uống sữa!

Họ im lặng. Vì có thể các công an viên cũng không có quyền quyết định thả tôi.

Họ kéo tôi sang phòng khác. Cứ mỗi lần tôi khóc họ lại kéo tôi sang phòng khác. Ở đây tôi gặp một bạn blogger vô tình bị giữ cùng, dù bạn chưa bao giờ biểu tình, blog không một chữ HS-TS. Bạn cũng không xin chữ ký của tôi, không mua sách của tôi. Nhưng số máy của bạn nằm trong số những cuộc gọi gần đây của tôi. Bạn bị giữ từ khoảng gần 11h đến giờ chưa ra.

Tôi phát hiện ra, Trường Sa Hoàng Sa là đau đớn nóng hổi tràn ngập đầu óc trí thức và thanh niên thì ở quanh tôi lúc này, chữ Hoàng Sa Trường Sa nó chỉ xuất hiện trong tang vật bị niêm phong, trong biên bản, trong những thứ thuộc về đối tượng bị giữ, biểu tượng cho những gì họ cần ngăn chặn. Nó cũng xuất hiện trên cái mũ bảo hiểm duy nhất tôi dán để ở góc bàn, tượng trưng cho sự lật mặt, phản trắc. Mọi sinh viên chỉ đề nghị tôi cho đề-can và mang về. Riêng một anh cứ nằng nặc đòi tôi phải tự tay dán đề-can lên mũ cho anh, tôi đành chiều ý anh, và anh bắt tôi ngay.

Tôi sang phòng mới và một anh mới giữ tôi. Tôi đã dặn mình không được nghĩ đến con nữa vì nó làm tôi mềm lòng. Nhưng sự tức giận bùng nổ từ tận đáy lòng thì không làm sao kiềm chế được. Tôi sừng sộ nói tôi cần về, con tôi đang cần tôi.

Anh cảnh sát mới mỉa mai:

– Tôi cũng có gia đình đây này. Nhưng giờ này tôi cũng phải đi làm vì các chị.

– Nhưng các anh được trả lương cho ngày hôm nay, đây cũng là công việc, sự nghiệp của anh.

– Tức là chị muốn được trả tiền chứ gì, hờ hờ

– Tôi nói cho anh biết, không có tiền bạc nào mua được những thời gian tôi chăm sóc con tôi. Anh không hiểu sao?

Chuông reo. Anh rút máy di động trong túi ra, nói với đầu kia dịu dàng: Mẹ, mẹ cứ ăn cơm đi nhé, mẹ ơi mẹ, vâng mẹ ạ.

Mẹ công an mới cần tình người. Mẹ của con tôi thì không cần.

Tôi chỉ muốn nói tới tất cả những người nào còn nghe được giọng nói bé nhỏ của tôi lúc đó, hãy trả mẹ cho con gái tôi! Làm ơn đấy, hãy trả mẹ cho con tôi!

Cho dù thời điểm 5h chiều nay đã qua rồi!

Trận bóng đá trên tivi buổi tối qua hết từng hiệp một, tôi vẫn phải trả lời một số vấn đề. Viết cam kết.

Bây giờ tôi có triệu chứng của người đã ở tù giai đoạn hai. Tôi chỉ muốn về, rồi muốn ra sao thì ra.

Hết trận cầu, họ kéo tôi quay lại phòng trực ban. Tôi nói với ông Cờ trực lãnh đạo công an quận:

– Bây giờ là 10h kém 15, tôi muốn gọi điện về nhà, bây giờ là giờ ngủ của con tôi, tôi muốn biết có ai đang ở nhà không, tôi phải giải thích với nó.

– Không, không gọi đi đâu hết.

– Tôi gọi bằng máy cơ quan anh, số nhà tôi các anh thẩm vấn có hết rồi.

– Không.

Tôi lại trào nước mắt:

– Xin lỗi anh, tôi chưa bao giờ van vỉ ai cái gì. Chẳng qua vì bây giờ là lúc tôi cần gọi điện thoại về cho con tôi, tôi mới yêu cầu. Ai cũng làm cha làm mẹ, nghề gì cũng chỉ là để kiếm sống nuôi gia đình, đâu phải đi làm là để vô cảm đánh mất tính người?

Ông Cờ dán mắt vào ti vi.

Lúc đó thì tôi sụp đổ.

Vì tôi là một người mẹ.

Tôi đã hứa đón cháu đi học về. Tôi đã hứa chiều nay có một bữa ăn nhỏ chiều thứ Bảy dành cho hai mẹ con ở riêng Quán cá Thùy Linh gần nhà nhân dịp Noel. Ngày nào cháu cũng đi học qua đó mà chưa một lần nào cháu được bước vào. Tôi đã hẹn ông già Noel mang quà đến nhà hàng lúc 5h để cháu được bất ngờ. Tôi đã mua một món quà nhỏ nhoi chỉ có giá khiêm tốn 50.000 đồng để ông già Noel đúng giờ mang đến. Con tôi là một đứa trẻ thiệt thòi (thiếu thốn những thứ vô hình) rất nhiều so với những đứa trẻ khác nên tôi chỉ cố gắng để cháu không phát hiện ra điều đó. Giờ đó đã qua, chắc ông già Noel đến nơi đã không tìm thấy chúng tôi, chắc ông đi về. Món quà giá trị quá nhỏ, thật sự là quá nhỏ không đủ lợi nhuận để ông đi đưa quà hai lần.

Khi ra khỏi đồn công an, tôi đi bộ dọc vỉa hè và đến giữa Nhà Thờ Lớn, đôi mắt tôi đẫm nước mắt nhìn ra thế giới. Không phải sự tàn ác lạnh lùng mất nhân tính của thế giới này có thể làm tôi rơi nước mắt, mà là những tình cảm con người vẫn còn trong tôi đang giày vò tôi.

Trước đây tôi là một người cộng-sản-ngoài-đảng, hoàn toàn vô thần, tích cực. Giờ có lẽ tôi sẽ ngược lại, biết đâu. Và biết đâu tôi sẽ tin vào Chúa. Bởi tôi không còn tin vào người sống.

Tôi đi bộ tiếp về phố Hàng Bông. Mưa bắt đầu đổ xuống gió rét.

Khi về đến nhà mới biết, chồng tôi chở con gái ra đứng ở cổng công an quận từ chiều đến gần 10h đêm nhưng họ không cho vào cũng không cho tin tức. Vô cùng bất ngờ khi biết cả nhà chồng tôi đã đứng chờ cho đến tối khuya ở công an quận. Tôi hỏi, mẹ bị bắt con có sợ không con? Con không sợ đâu, con chỉ lo cho mẹ. Ừ mẹ cũng thế, mẹ chẳng sợ, mẹ chỉ lo cho con. Ơ mẹ ơi, hai mẹ con mình giống nhau nhỉ!

Con gái ơi, con ngoan lắm, ông già Noel năm nay chả có quà cho con đâu con ạ. Mà ông già Noel cũng không có thật đâu con ạ. Đối với mẹ thì Chúa đã chết trong trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm rồi. Nữa là quà Giáng sinh, cho con. 

(Nguồn : Blog của Bùi Quốc Phong)