Gần 1 tháng trước đây bạn Ngọc tặng  mình quyển “Bí quyết hóa rồng” (1) của Lý Quang Diệu (cảm ơn bạn Ngọc thân yêu lần nữ a nhé :P). Vì nhiều lý do, hiện tại mình mới đọc tới trang 115. Một trong những lý do chính là nhiều kiến thức sự kiện – đôi khi giữ vai trò chủ đạo – đan lồng trong những tiến trình ông Diệu kể, mình không biết + xâu chuỗi được (lúc đó phải online search tư liệu xóa mù). Một trong những lý do khác, dễ đoán là … lười.

Tuy nhiên, vài hôm trước ở chỗ làm, mình có cãi nhau rất kịch liệt – qua chat Skype thôi – trong chat group những người làm chung với 1 thằng bạn. Trước những kêu gào đòi cải cách xã hội ở nhiều mặt, cái cách nó đá hiếng kiểu : “Mày nói kiểu ấy không ai tin được đâu, chắc gì vứt cái áo cũ dơ đã mặc được cái áo mới đỡ dơ hơn” làm mình hơi bực. Bây giờ nhân nửa đêm mát mẻ, tự nhiên muốn viết vài dòng tóm lược lại những gì mình đã thu hoạch được khi đã đọc + nghĩ về 115 trang đầu của “Bí quyết hóa rồng”. Không vì những dư âm bực bội trong cuộc cãi vã hôm nọ, cái chính là viết để mình tự suy ngẫm thêm đợt nữa, và một phần để những người đang nghi ngờ “áo mới dơ hơn áo cũ” nhận ra được 1 hướng lờ mờ nào đó của tiến trình cải cách. Tay ngang + nông cạn thôi, nhưng đã mở editor viết bài rồi thì tay vẫn cứ phải gõ ra.

Bài học đầu tiên: Hãy biết tự định hướng

Định hướng ở đây không phổ quát như từ “tầm nhìn” mà nhiều người đã đề cập về Lý Quang Diệu – Singapore. Ở đây chỉ bàn định hướng – đơn giản là việc xác định chính xác mục tiêu kế tiếp cần thực hiện.

– Singapore là 1 đất nước với xuất phát điểm tự nhiên có quá nhiều hạn chế. Đất nước 1 thành phố này thậm chí tới nước ngọt cũng phải nhập. Với diện tích và nhân lực quá nhỏ bé, Singapore hội tụ đầy đủ những điều kiện cần để trở thành 1 miếng mồi dễ xơi cho các  nước lân cận trong thời gian đầu (từ đầu thập niên 60) khi tình hình khu vực còn đầy rẫy bất ổn. Ông Diệu ý thức được những điều này, và ông chọn vấn đề quốc phòng phải được đặt trọng tâm, đặt lên trên tất cả. Song tiếp theo, sự lựa chọn giữa “Nhún nhường” hay “Được bảo hộ phòng vệ” hay “Tự phòng vệ” lại không đơn giản.

Nhún nhường & Dựa vào bảo hộ quân sự

Gần 2 năm tự nguyện nằm trong Liên bang Malaysia đã cho thấy những rạn nứt khó hàn gắn, không chỉ là xung đột sắc tộc người Hoa – người Malay. Bước ngoặt thứ 2 được tính tới, song chọn ai để nương tựa ?

Bước 1, ông xác định Singpapore phải thuộc về chiến tuyến đối nghịch với Chủ Nghĩa Cộng Sản – đang là 1 hấp lực đối với các nước thế giới thứ ba thời bấy giờ. Mặc dù những ngày đầu độc lập, Singapore đã từng có lúc có xu hướng ngả theo thể chế Xã Hội Chủ Nghĩa dân chủ, nhưng ông Diệu nhanh chóng nhận ra những mâu thuẫn khó khắc phục, và ông chuyển hướng ngay lập tức.

Bước 2 – chọn đồng minh cụ thể. Ông phải lựa chọn hoặc Mỹ, hoặc Anh. Suốt những năm sau đó – cho tới tận cuối thập niên 70, những hoạt động chính yếu của ông là không ngừng nghỉ đi lại và vận động để người Anh, cũng như  Khối Thịnh vượng chung do Anh đứng đầu tiếp tục chương trình bảo hộ quân sự trực tiếp.

Tự phòng vệ

Ông Diệu đã tính tới bước 3 ngay sau khi kế hoạch rút quân của người Anh được công bố sơ bộ (hạn thời gian là đầu những năm 70). Singapore lao vào trang bị xe tăng loại nhẹ, xe bọc thép cơ động v.v… Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh là Dennis Healey đã từng bật cười khi nghe ông Diệu và phụ tá ngỏ ý muốn mua máy bay Hawker Hunter vì tưởng ông đùa. Healey cười không phải vô lý, hiếm có ai ở cương vị của ông Diệu có tầm nghĩ xa tới mức ấy, khi mà Không lực Hoàng gia Anh vẫn còn kế hoạch ở lại lâu dài trên đất Singapore.

Bài học thứ 2: Hãy chọn bạn mà chơi

Ông Diệu từng đứng trước bàn cân, 1 đầu là Mỹ (đang phát triển rộng ảnh hưởng song quy cách tự thể hiện khiến họ trở nên không đáng tin), 1 đầu là Anh (đang mất dần ảnh hưởng song vai trò truyền thống mẫu quốc, họ có cách đối xử bặt thiệp hơn nhiều). Quyết định chọn Anh của ông không chỉ đơn thuần chỉ nhìn vào thái độ cư xử chính trị, ông còn đặt vị thế và tình thế của Singapore trong mối quan hệ so sánh với các tấm gương xung quanh như chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, Thái Lan, Philippines. Ông đã không lầm.

Đối với các phe cánh trong chính phủ của Anh, ông biết dung hòa bằng đối thoại và thương thuyết. Trong những chuyến công du, tham gia thảo luận, đứng diễn thuết trực tiếp, bằng vốn kiến thức sâu rộng và tài năng hùng biện của mình, ông thường thuyết phục được những người-bạn, thậm chí tiến được gần hơn những người-chưa-phải-là-bạn trong chính quyền Anh để từ đó, đạt được những gì mong muốn từ đồng minh lớn.

Bạn bè theo ông Diệu, không bị hạn chế bởi những khoảng cách vật lý hoặc những “tai tiếng” mà họ phải chịu, miễn họ mang lại cho Singapore lợi ích thiết thực. Israel là một điển hình. Israel đáp lại lời ngỏ ý và giúp Singapore huấn luyện, hoạch định xây dựng quân đội. Song Singapore luôn đáp ứng lại những yêu cầu từ phía Israel một cách hữu nghị, có chừng mực – từ việc dứt khoát nói không thể khi Israel muốn Singapore công nhận Israel và chính thức trao đổi đại sứ trong lúc cộng đồng thế giới đang đầy ác cảm với Israel. Cũng như khi cuộc chiến 6 ngày nổ ra (2), Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu việc lên án Israel, ông Diệu đã thận trọng, toàn vẹn dành cho người bạn này lá phiếu trắng.

(Còn tiếp)

Chú thích:

(1): Tựa gốc: “From 3rd world to 1st – The Singapore Story : 1965 – 2000” (Từ thế giới thứ 3 tới thế giới thứ nhất – Lịch sử Singapore từ năm 1965 tới 2000)

(2): Cuộc chiến 6 ngày năm 1948 còn gọi là chiến tranh khối Arab – Israel