Cá nhân


Dạo này tự dưng mình lười hẳn ra, chẳng viết lách chi cả.

Lười vì cái gì ? Có lẽ 1 chút hèn. Đâu đó Lái Gió, Mẹ Nấm v.v và v.v… đã bị tóm. Mình chắc cũng chỉ là 1 ngọn cỏ. Cỏ thì chẳng bao giờ cắt hết được nhưng có lá cỏ nào lại muốn mình bị cắt ngóm đi.

Lười vì cái gì ? Có lẽ 1 phần chỉ đơn thuần là lười. :)) Nếu thế thì tệ thật.

Đành thuổng 1 câu truyện đọc được sau khi đi lòng vòng trên net để đăng. Chắc các bạn nào gần tuổi băm giống mình sẽ thích. 1 nốt trầm cho suốt tháng qua, hẹn tháng tới sẽ có nhiều nốt thăng.

Là người tình, con đĩ, hay vợ ?

Người tình…

Người yêu tôi bây giờ là một người đơn giản, cô ấy không quá hiền và cũng chẳng có cá tính dữ dội mấy, cô ấy không tự design một món quà cho tôi, không bất ngờ đến trước cửa nhà tôi trao cho tôi một nụ hôn, không nhét một cái gối to vào bụng và tưởng tượng rằng chúng tôi sắp có con… không, cô ấy không làm những điều mà người yêu trước của tôi làm. Cô ấy chỉ đơn giản gọi cho tôi một cú điện thoại mỗi ngày. Nếu muốn đi chơi với tôi, cô ấy sẽ lên kế hoạch trong vòng mấy ngày trước. Đến ngày Valentine cô ấy tặng tôi một miếng chocolate hình trái tim, trơn bóng không như miếng chocolate mà người yêu trước của tôi tự làm, có tên tôi và tên cô ấy trên đó.

Có thể có sự khác biệt quá lớn trong cách yêu của hai người… và cho dù biết rằng… người yêu trước của tôi yêu tôi một cách dữ dội hơn… thì tôi cũng không dám sống trong tình yêu ấy, tôi sợ sẽ bị nhấn chìm… điều tôi cần là một tình yêu đơn giản, có thể dẫn đến hôn nhân thì càng tốt. Sau khoảng 2 tháng chia tay, tôi vẫn nhớ cô ấy nhiều lắm, tôi không thể bắt gặp cô ấy trong hình hài người yêu mới nên tôi thường tự thần ra một mình, người yêu mới của tôi thấy vậy cũng hỏi thăm nhưng cũng chỉ là hỏi thăm cho qua chuyện, cô ấy không quan tâm nhiều đến điều mà tôi đang nghĩ.
Bất ngờ một hôm… Tôi nhận được tin nhắn của người yêu cũ.
“Anh thế nào rồi? Anh có được hạnh phúc không?”
Tôi reply ngay sau đó.
“Không hạnh phúc lắm! Nhưng giản đơn là được, anh cần nó…”
Một lúc lâu tôi không thấy cô ấy reply.

Tay tôi vẫn cầm điện thoại, vẫn chờ một dòng tin nhắn. Một lúc… một lúc lâu nữa… Tôi không chịu được nữa… tôi phải gọi lại, phải nghe bằng được giọng của cô ấy… Bất chợt, tôi chưa kịp bấm số thì điện thoại của tôi reo… Số của cô ấy… tay tôi run như lần đầu tôi bấm số làm quen với cô ấy.
– Em à, có chuyện gì không? Tôi cố lạnh lùng.
– Mình làm người tình anh nhé…
– Vậy là sao?
– Anh không cần phải yêu em… chỉ cần anh đến bên em những lúc anh cần em… có được không anh?
– Ừ…
Tôi biết tôi ừ là vì tôi còn quá yêu cô ấy… và tôi không có cảm giác tội lỗi mấy với người yêu mới… đơn giản là vì tình yêu mới không có gì đặc biệt, nổi trội.
Chúng tôi gặp nhau ở một quán cà phê nhỏ và đầy hoa cúc cắm ở xung quanh các vách tường.
– Anh tưởng em thích các quán cà phê có gam màu trầm cơ mà?
– Ồ… quen em lâu như vậy mà anh cũng không biết là em dễ thay đổi hơn là một cái lật tay sao?
Tôi cười, cô ấy vẫn hóm hỉnh như vậy, vẫn duyên dáng như vậy.
Chúng tôi về nhà của cô ấy, yêu nhau cũng khá lâu rồi nhưng thực ra tôi chưa bao giờ lên nhà cô ấy, tôi chỉ đứng tiễn cô ấy ngoài cổng khu chung cư, cô ấy bảo cô ấy chỉ sống một mình nên không muốn đàn ông lên, sợ lắm chuyện phát sinh, tôi bật cười, tôi đâu đến nỗi dê như thế, mà bây giờ là thời đại gì rồi mà cô ấy còn sợ chuyện đó… Vậy mà bây giờ… cô ấy chủ động mời tôi lên nhà.
Mọi người hàng xóm và bác bảo vệ già có vẻ quí cô ấy, người mỉm cười, người chào cô ấy, riêng bác bảo vệ thì nháy mắt với cô ấy một cái.
– Con bé này. Thế là cũng chịu dẫn người yêu lên nhà rồi hả?
Cô ấy cười nụ…
Nhà của cô ấy quá rộng đối với người ở một mình… chúng tôi ngồi uống nước, nói chuyện, bất chợt, cô ấy cố ý dựa vào vai tôi, tôi ôm lấy vai cô ấy… chúng tôi ngồi lặng một lúc… rồi cô ấy kéo khuôn mặt tôi lại thật gần, thật gần… tôi vẫn còn nghe rõ… lúc nụ hôn buông lơi lần đầu… cô ấy tựa trán cô ấy vào trán tôi thì thầm: “Em nhớ anh… đã từng nhớ không chịu nổi…” Tôi hôn cô ấy mãnh liệt hơn… Và chuyện đó đã xảy ra. Đó là lần đầu của hai chúng tôi.
Người ta bảo hạnh phúc xuất phát từ tình yêu chân thực thường không thể đi đôi với thực tế cuộc sống. Nhưng trong tôi vẫn tham lam, vẫn muốn có cả hai, tôi cần một người tình như cố ấy, nhưng tôi lại cần người yêu như người yêu tôi, và tôi chấp nhận sự thoả hiệp của chính mình.

Con đĩ…


– Anh có biết định nghĩa của người tình không??? Cô ấy nói trong tư thế nằm sấp và tay chống cằm.
– Không, cũng chưa bao giờ anh suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.
– Một người tình thì kém xa một người yêu và hơn con đĩ một tẹo.
– Con đĩ… em nói nghe kinh quá.

Cô ấy không nói gì thêm, chỉ cười.

Chúng tôi duy trì quan hệ được hơn một năm. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc… nhưng lý trí của tôi vẫn đè bẹp hạnh phúc thực tại này. Có lẽ tôi sinh ra đã vậy. Không có từ mơ mộng mang tên cuộc sống. Tôi quyết định cưới vợ, không phải cô ấy mà là người yêu mới của tôi.
Khi tôi nói chuyện này với cô ấy, cô ấy không hề biểu lộ chút ngạc nhiên, thậm chí cô ấy còn lạnh lùng nói:- Anh này… anh không tính giá cả cho những lần chúng ta quan hệ hay sao???
Tôi giật mình, tôi nghĩ cô ấy nói đùa… tôi cười xoà.
Mặt cô ấy đột nhiên nghiêm lại:
– Em nói nghiêm túc đấy. Không có gì là không có giá đâu.
Tôi không tin vào đôi tai mình nữa. Hoá ra tôi yêu nhầm một con đĩ mất rồi. Tôi vẫn cố cười.
– Bao nhiêu hả em?
– Tuỳ tâm anh thôi…
– OK! Mai anh sẽ mang đến, hôm nay anh không mang nhiều tiền.
Hôm sau, tôi mang một phong bì tiền gồm 2000$ đến nhà cô ấy… Trong đó tôi còn để kèm mảnh giấy “Gửi em đĩ thân yêu, thế này đã đủ chưa? Nếu chưa đủ thì bảo anh đưa thêm nhé, cảm ơn em đã vui vẻ cùng anh, à mà với mấy thằng khác em đừng đòi trọn gói như thế nhé, xong ca nào dứt điểm ca ấy đi”… Tôi biết tôi quá cay độc khi viết những dòng ấy nhưng tôi quá tức giận.
Cô ấy không liên lạc với tôi nữa. Cuối năm, chỉ còn 3 tháng nữa là cuối năm… tôi chuẩn bị cho lễ cưới.
Tôi và vợ tôi sống lặng lẽ, đời sống tâm hồn hay chăn gối đều không sâu sắc… Được gần một năm, tôi phát hiện ra cô ấy ngoại tình, không đau khổ, giằng xé, chỉ hơi ngạc nhiên… Chúng tôi chia tay nhau trong sự thoả thuận ngầm rằng chưa có con cái quả là một điều may mắn.
Tôi bắt đầu nhớ đến người yêu cũ… Cô ấy thế nào rồi, có chồng chưa, hay vẫn là một con đĩ bao trọn gói.
Tôi quyết định đến thăm nhà cô ấy. Đứng ngoài cửa tôi nghe thấy tiếng trẻ con khóc, có lẽ cô ấy đã có gia đình, ít nhất tôi cũng không phải ngại vì sợ phải bắt gặp cảnh cô ấy đang nằm với một người đàn ông khác.
Tôi gõ cửa. Một người phụ nữ ra mở cửa.
– Anh hỏi ai?
– Cho tôi hỏi Thư có nhà không?
Cô ấy không nói gì, lẳng lặng mời tôi vào uống nước. Xong đâu đấy cô mới chậm rãi kể chuyện…

– Cách đây gần một năm chính vì đứa bé này, con bé Thư nhà tôi đã đánh đổi chính mạng sống của nó.
Tôi đau nhói trong tim.
– Thư chết rồi hả chị? Chị không đùa chứ? Tại sao hả chị?
– Ừ! Hồi đó, bác sĩ khuyên nó là phá cái thai đi, nó bị bệnh tim, sinh con rất nguy hiểm, nhưng nó nhất quyết không chịu.
Tôi bàng hoàng… thì ra đây là sự thật. Sự thật đến chói tai và nhói lòng. Tôi ngồi thừ một lúc rồi bất chợt lên tiếng.
– Vậy bố đứa trẻ đâu?
– Con Thư nó là người đặc biệt, nó luôn làm những điều không ai đoán trước được, và có lẽ bố đứa trẻ là điều mà nó cũng muốn giữ kín… Nhưng tôi có một tấm hình nó giữ… hình như là của người đó… và hình như… đó là cậu. Đúng rồi, bây giờ tôi mới để ý… hình như đúng là cậu.
Chị dẫn tôi vào phòng Thư. Căn phòng vẫn nguyên cách trang trí. Những kỉ niệm xa xăm ùa về thấm đẫm nước mắt… Chị mở một hòm nhỏ và cầm ra một bức ảnh. Đúng rồi, đây là ảnh tôi, tôi nhớ hồi yêu nhau cô ấy xin tôi một bức ảnh để cài vào ví. Chị đưa thêm cho tôi một phong bì.
– Đây là tiền của Thư đưa tôi, bảo khi nào con nó lớn thì đưa cho con nó, nó đề phòng nếu nó sinh con mà không may ra đi, tôi cũng khá ngạc nhiên, nó có dư tiền trong tài khoản vậy mà nó phải cần 2000$ trong phong bì này đưa cho con nó là sao? Tôi nghĩ đó là của bố đứa trẻ. Có lẽ đó là cậu. Tôi nói có đúng không?… À, nó còn giữ một bức thư nhỏ, có lẽ là gửi cho cậu, tôi không dám dở ra xem.
Tôi vội vàng dở bức thư… màu chữ đã hơi hoen đi một tí. Không phải bức thư dành cho tôi… mà là bức thư… tôi đã dành cho cô ấy…
“Gửi em đĩ thân yêu, thế này đã đủ chưa? Nếu chưa đủ thì bảo anh đưa thêm nhé, cảm ơn em đã vui vẻ cùng anh, à mà với mấy thằng khác em đừng đòi trọn gói như thế nhé, xong ca nào dứt điểm ca ấy đi”…
Hình như là… tôi đã nhầm con đĩ với một người tình… à không… không phải người tình… mà là người yêu… mà cũng chẳng phải… là vợ tôi… thực sự là vợ tôi!!!

(Nguồn: 24h.com)

(Kết thúc cho bài thu hoạch đầu – Xem lại phần 1 tại đây, phần 2 tại đây, phần kết luận 1 tại đây)

Đầu tiên mình xin trả lời câu hỏi của 1 vài bạn: Tại sao sau khi đọc 1 quyển sách nước ngoài, không là 1 kết luận chung chung mà cứ phải áp ngay vào so sánh với nước mình ?

– Thứ nhất, vui lòng chia sẻ quan điểm của mình: Việt Nam hiện đang trong giai đoạn khó khăn, bao gồm cả những khủng hoảng vào niềm tin ý thức hệ, sự bất tín nhiệm chính quyền đang bùng nổ sau 1 thời gian bị lấp liếm che đậy, thái độ thờ ơ chính trị – suy đồi phong cách và ý thức sống lan rộng trong giới 8x trở lên. Lớn hơn cả là hiểm họa an ninh quốc gia tới từ hướng Bắc. Trong hoàn cảnh hỗn tạp này, ý thức 1 cách chủ động kinh nghiệm kiến tạo một đất nước “nhỏ mà không nhược” – chẳng những có ích với quá trình sửa lỗi (ở khía cạnh nhà nước), quan trọng hơn nhiều, nó có thể phần nào giúp thức tỉnh thái độ lưu vong trên chính quê hương mình của số đông (ở khía cạnh nhân dân) – vốn thường được biện giải bằng sự đớn hèn chính trị, bằng sự hiểu biết chính trị mù mờ.

– Thứ hai, là do mình ít hiểu biết, những kết luận chung chung áp lên toàn bộ các quốc gia ngoại bang khác mà không có dẫn dụ hợp lý, đều là sự lố bịch. 2 quốc gia nằm cùng 1 khu vực Việt Nam-Singapore, đó là so sánh dễ thấy nhất những sự to-nhỏ, dài-ngắn, khôn ngoan-ngu dốt, trong sạch-vẩn đục, chắt chiu-hoang phí, dũng cảm-hèn hạ, hy sinh-ích kỷ.

3. Đối lại sự lựa chọn và chờ đợi : Sự thiếu kiên nhẫn và bừa phứa – Những dự án gấp rút hay những dự án buộc phải vội vã do có chủ đích ?

“Dự trữ chiến lược”, 1 trong những bài học cơ bản cho nhà điều hành đất nước. Dự trữ chiến lược là 1 biểu hiện cho sự phát triển có chọn lựa, không ngoài việc tích trữ nguồn lực cho hậu thế sau này – khi đã có đủ các điều kiện về con người, kỹ thuật v… – sử dụng sao cho giá trị nguồn dự trữ đó được phát huy tối đa.

Đất Singapore hẹp (652 km2), nguồn nhân lực Singapore ít. Chính vì thế chính quyền Singapore phải cân nhắc mỗi lời đề nghị dựng nhà máy. 1 nhà máy sản xuất lưỡi câu thủ công, dù có thể giúp xoa dịu tình trạng thất nghiệp, cũng không làm ông Diệu xiêu lòng. Phải là 1 nhà máy sản xuất với kỹ thuật tự động, hàng năm sản xuất hàng triệu lưỡi câu như Mustag. Ở Việt Nam, người ta đang nghĩ gì thế kia khi cấp phép cho những dự án rút máu của quốc gia lên bán (nguyên liệu thô thuần), rồi lãng phí vốn vay, đất đai ? Dầu thô, bauxite (dạng thô ở Tây Nguyên), than (than thổ phỉ ở Quảng Ninh), vốn ODA (khoản nợ vay lấy được và xăm xẻ tích cực), đất giải tỏa với chiêu bài “sở hữu của toàn dân” v.v… tất cả đều phung phí và rẻ rúng như hàng cho không. Luận điệu “cứ có thì khai thác thôi” không chỉ thể hiện trình độ kém, tầm nhìn dài tày lóng tay, mà còn thể hiện sự vô trách nhiệm với lớp người mai sau. 1, 2, 3… thế hệ nữa, lớp người ấy sẽ còn những gì, ngoài những hồ bùn đỏ treo trên đầu, những vùng mỏ tan hoang nham nhở, những khoản nợ nước ngoài phải gánh qua nhiều kiếp ? Singapore đến cả nước mưa họ cũng nâng niu. Chúng ta thì để ai đó thản nhiên đào máu của Tổ quốc lên xuất khẩu, hàng quý, hàng năm ngồi nghe họ loa lên về mức tăng trưởng mà phần lớn nằm ở khoản bán máu kia.

Hàng loạt giá trị tinh thần khác cũng đang bị giết chết bởi sự cuống cuồng đáng ngạc nhiên. Những làng nghề dệt chiếu, trồng hoa, dệt lụa, khảm cừ, vẽ tranh dân gian, thêu, làm quạt, làm bún, nghề mộc… truyền thống bị bỏ quên, bị giải tỏa trong cơn lốc sân golf, đất phân lô… nhân danh đô thị hóa. Chèo Đoài (Hà Tây) chết tức tưởi dưới những bàn tay bù nhìn, bẩn thỉu hoặc vô cảm biểu quyết trên 90% cho dự án khai tử Hà Tây, sát nhập vào Hà Nội trong khi nhân dân còn đang ngơ ngác, trong khi đề án còn sơ khởi, với những lý do nghe rất khó ngửi kiểu: Sát nhập vì Hà Tây trồng rau xanh cung cấp cho Hà Nội, giờ Hà Nội quản lý luôn cho tiện v.v. và v.v…

“Nhiệt tình + ngu dốt = Phá hoại” ? Hay còn tệ hơn thế: Các toan tính riêng cho cá thể, đảng phái, những cái bắt tay đã từ lâu lắc giữa những ông Tổng nhằm bán rẻ quốc gia ? Hơn 30 năm trước, ở Bạc Liêu cá còn tung tăng thò tay xuống là bắt được, sông Đồng Nai nước trong xanh không nề hà cho phép những kẻ lỡ độ đường có thể tắm rửa. Giờ đây thì sao ? 20 30 … năm nữa ? Sự ngu dốt, không minh bạch, nham hiểm từng ngày biến câu hỏi “chúng ta có gì ?” trở thành “chúng ta còn gì ?”

“… Gia tài của Mẹ để lại cho con. Gia tài của Mẹ là nước Việt buồn… Gia tài của Mẹ một bọn lai căng. Gia tài của Mẹ một lũ bội tình…” (*)

Người Mẹ – Tổ tiên ta đã để lại cho ta 1 quốc gia liền lặn, gấm vóc. Sự bừa phứa, không chọn lựa của 1 nhóm người – không được chọn lựa thực chất – biến chúng ta gián tiếp thành những Người Mẹ kế theo nhẫn tâm.

4. Uy tín dân tộc Việt – có hay không ?

Đầu tiên, phải khẳng định, cái giá phải bù đắp cho 1 đơn vị Mất Uy Tín chắc chắn cần nhiều hơn 1 đơn vị Uy Tín. Bởi đơn giản, Uy Tín là điều kiện tiên quyết cho niềm tin, cho việc chấp nhận, san sẻ rủi ro, dọn đường cho bất kỳ sự hợp tác song phương, đầu tư vốn nào. Còn Mất Uy Tín là thể hiện cho 1 sự phản bội niềm tin. Ở mức độ nặng, nó còn được hiểu như tính giả dối, nó đe dọa nền tảng xây nên từ những Uy Tín trước đó.

a. Uy tín trong nội bộ:

Xét về bản chất và thói quen, người Việt Nam chưa bao giờ bị đánh giá là 1 dân tộc gian manh. Vậy nguyên nhân nào đã hủy hoại đạo đức con người Việt hiện đại (mà báo chí thường nhắc tới với cụm từ “suy đồi đạo đức”) ?

Sự manh nha của tráo trở, lật lọng luôn ẩn nấp dưới tấm áo đời sống xã hội, đó là 1 chân lý. Các xã hội đó chỉ khác nhau ở chỗ: Khả năng người dân đủ tỉnh táo và mạnh mẽ để chọn ra 1 nhóm lãnh đạo, nhằm khống chế nguy cơ đó ở mức độ thấp nhất có thể. Quá trình chọn lựa đó đòi hỏi giữa bất kỳ giai cấp, đảng phái, cá thể… nào cũng phải duy trì mức độ uy tín và tin cậy để cộng tác với nhau. Điều này dẫn tới 1 kết luận: Tính dân tộc là tối thượng, không 1 giai cấp hay cá nhân nào có thể dẫm lên. Bất hạnh thay, chúng ta đã đi theo chiều ngược lại trong quá trình lựa chọn này (**). Lẽ đương nhiên, như trong 1 phiên tòa được điều hành bởi 1 thẩm phán thừa sức mạnh để cầm cây gậy, nhưng lại thiếu khôn ngoan và sự nghiêm túc để cầm cán cân, kết cục đang và sẽ không tốt đẹp.

Chính quyền của ông Diệu luôn ý thức được việc bị đào thải trong quá trình chọn lựa nói trên. Kết quả trong các cuộc bầu cử luôn là cái gương cho đảng PAP điều chỉnh chính sách trong đợt bầu cử sau, nhằm giật lại niềm tin của nhân dân ngay khi nó có xu hướng trôi dần sang phe đối lập. Với phong thái ung dung hoàn toàn khác biệt, đảng cầm quyền ở Việt Nam có thể ung dung trì hoãn các cuộc cải cách và tự thanh lọc nội bộ, thay thế vào đó là những cuộc hô hào nặng tính hình thức với bản thân và nhồi nhét với người nghe. Nguyên nhân vì cơ chế hệ thống cho phép chính quyền không cần bảo đảm uy tín với người dân. Uy tín trở thành 1 thứ xa xỉ phẩm mà có thể nhiều thế hệ nữa, người dân cũng không đủ khả năng mua được nó từ phía người cầm quyền.

b. Uy tín với quốc tế:

Singapore đang ngày một trở thành 1 điểm nối cho không chỉ những hội nghị ngoại giao, mà còn là điểm dừng của những cuộc gặp gỡ cấp cao, những mặc cả về chính trị. Quan điểm của ông Diệu rất rõ ràng: Biến Singapore trở thành cầu cảng đầu mối cho những giao lưu ở tầm vóc khu vực & quốc tế. Uy tín của Singapore không còn bị hạn chế bởi diện tích lãnh thổ như ông Diệu đã từng lo lắng khi so sánh Singapore và nước láng giềng Malaysia: “Chỉ là 1 chấm nhỏ”. Người ta nhìn nhận Singapore ở khía cạnh tổ chức chặt chẽ và niềm tin đã được toàn bộ thế giới thứ nhất công nhận.

Việt Nam đương nhiên, chẳng có lý do gì để phải bắt chước theo Singapore, bởi tất cả những khác biệt về địa lý, điều kiện lịch sử và những tiềm lực khác. Trong 1 thập niên trở lại đây, Việt Nam cố gắng hòa nhập vào cộng đồng quốc tế, mà vẫn giữ được độ an toàn cho thể chế. Những cố gắng này được cụ thể hóa bằng tư cách thành viên ASEAN, chủ tịch luân phiên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, chủ nhà hội nghị APEC v.v… Cách đây khoảng 8 năm, 1 cậu thanh niên ở bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) có thể chẳng có 1 khái niệm gì về 2 tiếng “Việt Nam” – thế giới thứ ba. Nay thì khác. Thanh niên Nhật Bản, thanh niên Mỹ… – những phương xa – thậm chí biết tới Việt Nam nhiều hơn.

Nhưng như vậy đã đủ chưa ? Sau cuộc chiến cách đây 35 năm, chuyên gia của Nhật Bản, Mỹ đã có những bản báo cáo hết sức lạc quan về sức bật của dân tộc Việt – chúng ta có 1 uy tín lớn với sự nể phục, thậm chí có chút kiêng dè, như ông Diệu thú nhận. Nhưng có lẽ cho tới giờ, uy tín ấy đang dần bị bão hòa, bị tầm thường hóa. Nhiều nguyên nhân nhạy cảm đã buộc nhà nước phải có những hành động không tương thích với tinh thần Việt (như sự bất tín khi không cấp visa cho Tổng thư ký đảng DPP của Đài Loan (***), thái độ lảng tránh khi cơ quan điều tra Nhật đề nghị hợp tác trong vụ hối lộ PCI v.v…). Tất cả để đánh đổi lấy điều gì ? Thật buồn là chẳng có gì, ngoài sự khinh thường, leo thang bành trướng của tên Anh Hai Khốn Nạn mà Việt Nam vẫn thường đứng nép vào, dạ thưa; “sự tín nhiệm” của các công ty nước ngoài xem Việt Nam như 1 điểm đến lý tưởng vì chi phí rẻ mạt cả mặt tài nguyên lẫn nhân lực.

Bao giờ chúng ta mới hết tự huyễn hoặc mình về 1 kẻ dẫn đường hành động vì số đông, kẻ dẫn đường biết tạo ra uy tín –  qua các cuộc họp liên miên nặng tính hình thức trong 1 khối hãy còn quá rời rạc như ASEAN, hoặc bằng những thông điệp thường trực ba phải, vô bổ – thực chất là nói theo ý người khác, nói với tư thế 1 kẻ né tránh việc trở thành tâm điểm. 1 kẻ dẫn đường chẳng những không biết ứng dụng uy tín quốc tế làm lá chắn mỗi khi bị lang sói chặn đường, trái lại sẵn sàng hiến bớt con chiên đi theo v.v… Tất cả chỉ nhằm 1 mục đích: Được tiếp tục cầm chiếc gậy dẫn đầu.

Tạo ra đã khó, giữ niềm tin người khác đặt vào mình 1 cách đúng đắn càng khó hơn. Tuy nhiên, trên hết, cơ sở cho sự tạo lập và nêu cao uy tín quốc tế thực chất sẽ chẳng có gì, nếu chúng ta không tự mang uy tín của mình, của người khác trao cho ra soi gương. Bởi, bên trong lớp vỏ của uy tín, có thể chính là sự Lừa Dối.

Chú thích:

(*): Trích trong bài hát Gia Tài Của Mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

(**): Ví dụ: Hiệp định Paris năm 1973, ở điều 4 quy định như sau: Miền Nam Việt Nam có 2 chính quyền.2 quân đội, 2 vùng kiểm soát. Các bên tạo điều kiện cho dân chúng sinh sống qua lại tự do giữa 2 vùng. Dân tộc Việt Nam sẽ quyết định tương lai chính trị của mình qua “Tổng tuyển cử tự do và dân chủ dưới sự giám sát quốc tế”. Nhưng bên mạnh luôn là kẻ mạnh nắm đằng cán, kẻ yếu nắm đằng lưỡi. Thực tế đã được chứng minh bằng việc hiệp định hoàn toàn bị đạp lên vào năm 1975.

(***): Tổng Thư ký của đảng DPP (Đảng Dân Tiến – cầm quyền ở Đài Loan) từng bất ngờ bị Việt Nam từ chối cấp visa nhập cảnh (dù trước đó đã ưng thuận). Sự kiện này diễn ra năm 2007, được cho rằng do mệnh lệnh từ phía Trung Quốc.

(Kết thúc cho bài thu hoạch đầu – Xem lại phần 1 tại đây, phần 2 tại đây)

Mình muốn kết ở 1 khuôn khổ rộng hơn, song e là quá vội vàng. Nên xin chỉ kết luận và dẫn dụ dựa trên 4 bài học chính đã nêu ở các phần trước. Những vấn đề rộng hơn kia sẽ được nêu trong 1 bài viết khác.

1. So sánh sự định hướng ở Việt Nam:

Ông Diệu, xét về tổng thể, đã đạt mức thành công khả kiến vượt trội thất bại. Bàn về thành công của ông Diệu đã có quá nhiều người. Vậy rút cục, ông là người may mắn hay 1 người phải vượt khó ?

Những ai có chủ kiến nhìn nhận mức thành công này ở quy mô lãnh thổ thì cho rằng, ông Diệu là 1 người may mắn, vì quản trị 1 quốc gia 1 thành phố (City State) thì dễ dàng hơn. Họ đúng. Sự linh động của Singapore đã và đang nằm ở việc quyền lực tập trung vào tay 1 hoặc 1 nhóm người thân cận, nhưng luôn cùng chung chí hướng, làm cho chính quyền ông Diệu (bao gồm cả những chính quyền thời kỳ hậu Lý Quang Diệu) dễ dàng xử lý mọi việc thông qua những chỉ đạo 1 cách trực tiếp hoặc gián tiếp thành lập các hội đồng, Ban, hoặc Bộ (có thể có thời gian tồn tại không dài), nhằm xử lý 1 cách năng động, ngay tức khắc.

Có điểm gì khác biệt giữa Việt Nam và Singapore ? Đó là sự hạn chế của chúng ta, vẻ ngoài cũng tập trung quyền lực (do 1 hệ thống đơn nguyên đơn đảng), nhưng lại nhằng nhịt các nhóm lợi ích cấp cao khác nhau với những mắt xích liên kết giữa chúng. Sự nhằng nhịt nội tại này, cũng mối lo âu thường trực kéo dài từ sau thời điểm nhạy cảm năm 1992, đã kéo trì lại bất kỳ 1 quyết định nào dẫn tới sự kết thúc – hoặc thiết lập mới – 1 mắt xích trong hệ thống. Ví dụ dễ thấy nhất là nhìn sự chật vật của Thủ tướng Dũng trong việc bổ nhiệm – bãi nhiệm bất kỳ 1 cán bộ cấp Thứ trưởng nào trở lên.

Vậy mối liên quan giữa lãnh thổ-hệ thống và lãnh thổ-hệ thống này dẫn tới kết luận gì ?

Sự tan rã của 1 mắt xích, vô phúc thay, do thiếu đối tượng giám sát và tính minh bạch, sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm tan rã 1 mảng lớn những mắt xích khác, không nhất thiết phải kề cận với mắt xích tan rã này. Một đất nước như Việt Nam, mới có sự bi hài như việc: Trung ương chỉ đạo cho thành phố Hà Nội bằng nhiều đợt văn bản vấn đề xử lý khiếu kiện đất đai, nhưng Ủy ban Nhân dân thành phố có thể thản nhiên không chấp hành. Nó tin tưởng vào giá trị của mình trong cái lưới đen mà chính nhiều vị tại Trung ương cũng là 1 mảng lớn. Vấn đề gắn chặt về quyền lợi nhưng lại phân hóa về quyền lực này đương nhiên dẫn tới hệ quả: Khó có ai dám can đảm đứng ra hoạch định 1 chính sách lớn và nếu có, họ cũng khó 1 mình nắm bắt được hết sự nhằng nhịt của lưới hệ thống để rồi giải quyết 1 cách trọn vẹn những liên kết trong nó.

Do đó, sự cải cách ở đây, nhìn vẻ ngoài – nếu có, thì cũng bắt buộc phải thực hiện 1 điều khác như sự “đền bù” (Hãy xem trong vấn đề chọn lựa đối tác dể giải quyết quỹ kích cầu: Thủ tướng Dũng phải giật lùi về phía phe bảo thủ – thân Trung Quốc – khi có nhiều tiếng nói từ phe này cáo buộc ông đã quá quắt khi tiến nhanh tới với Mỹ mà không nhận được sự đáp trả ngay lập tức tương xứng).

Sự định hướng sẽ không còn mang tính chuyển hướng khi nó buộc phải di chuyển theo chiều ngang cho 1 sự bù trừ.

2. Bài học lớn nhưng mãi không thuộc – “Chọn bạn mà chơi” :

Năm 1945, Bác Hồ đã giải phóng dân tộc bằng con đường trung hòa giữa chủ nghĩa dân tộc (chủ đích) và chủ nghĩa giai cấp (phương tiện) (*). Năm 45 chúng ta không có người bạn nào thật sự thân, nhưng cũng chẳng có kẻ thù. Thậm chí chúng ta từng tiến tới gần cả Pháp (trong vấn đề khối Liên hiệp Pháp), Mỹ (với tư cách đồng minh chống phát-xít), lẫn Trung Quốc (dưới hình thức nhận bảo trợ).

Năm 1975, thống nhất đất nước, chúng ta có kẻ thù là toàn bộ cực tư bản, bạn thân là Liên Xô, bạn hàng xóm là Trung Quốc, bạn quen phương xa là Cuba, Venezuela, các nước XHCN Đông Âu…

Từ năm 1979, chiến tranh biên giới với Trung Quốc: Do mải theo người bạn duy nhất là “gấu giấy” Liên Xô, chúng ta đã làm bạn hàng xóm biến thành kẻ thù. Người bạn thâm nho này thậm chí còn ngăn cản ý định của những kẻ thù cũ như Mỹ quay sang bắt tay chúng ta.

Năm 1992, Liên Xô sụp đổ. Chúng ta hết bạn.

Như vậy, nhìn về tổng thể, chúng ta đi hết từ bước lùi này tới bước lùi khác trong kế hoạch “kết bạn”. Bi kịch này xuất phát từ những suy nghĩ thiển cận về sự vĩ đại của tính giai cấp, những lầm lạc nhận thức về sự quan trọng của đối kháng tư tưởng (Liên Xô, Trung Quốc – Các nước tư bản. Hoặc thậm chí là Liên Xô – Trung Quốc). Những mỹ từ sau này thường gặp kiểu “… giữ mối quan hệ đa phương hai bên cùng có lợi…” chỉ là ngụy biện cho sự cô đơn của chúng ta. Tệ hơn nữa, người bạn hàng xóm lâu năm quen mặt. lợi dụng tư thế nắm đằng lưỡi của của chúng ta – 1 người em cùng hệ tư tưởng, để không ngừng nghỉ chơi đểu.

Cho tới hiện tại, chúng ta vẫn cô đơn. Có thể khẳng định như vậy. Obama đã thể hiện rõ rằng quan điểm: Mỹ trong nhiệm kỳ ông không coi Việt Nam là đối tác chiến lược trong khu vực (**), cho dù phe cải cách với Thủ tướng Dũng và Chủ tịch Triết từng ra mặt tỏ ý muốn thân Mỹ. EU thì dè chừng. Nga chỉ nhăm nhăm bán vũ khí và vẫn thân mật với Trung Quốc v.v… Chúng ta vẫn đang đi lò mò, trong tư thế của 1 kẻ mù, kiếm lấy 1 con đường sáng, bền vững, hàng ngày vẫn chịu những đòn đểu của anh hàng xóm. Hậu quả của việc chọn nhầm bạn thật to lớn.

Một quốc gia nhỏ, nếu không biết cách chọn bạn mà chơi, chỉ có 1 con đường đau đớn: Trở thành chiến trường, thay vì là người xà ích bên phe chiến thắng hoặc là trung gian, cho các quốc gia lớn.

(còn tiếp)

Chú thích:

(*) : Chính vì thứ tự ưu tiên này mà Stalin đã thèm không nhìn nhận Bác Hồ là “đồng chí”

(**) : Bi kịch của riêng Việt Nam này sẽ được trình bày trong 1 bài viết khác sau này.

Bông hướng dương thứ nhất:

Em là bông hướng dương nở lên từ luống đất cằn khô. Hằng ngày có biết bao người qua lại nhưng không ai để mắt nhìn xuống để thấy em. Em mang kiếp hoa dại, cánh gầy khô dù đài hoa lúc nào cũng vươn lên, khát khao về hướng mặt trời. Em khát nước, em khát luồng sinh khi nóng từ lòng đất, em khát cả 1 cái nhìn dù chỉ là ban phát sự thương hại mà thôi. Trong 1 ngày nắng rực rỡ, em vẫn muốn hét lên: “Mọi người ơi, xin chỉ 1 lần chìa bàn tay”.

Bông dướng hương thứ hai:

Em là bông hướng dương trơ trọi trên đồng cỏ. Gió, gió, gió và gió. Gió thổi mạnh quá, mọi cây cỏ đều đã cam chịu đổ rạp về cùng hướng gió bạt, chúng xanh tươi lắm thay. Riêng em vẫn xác xơ ngả nghiêng trong gió. Để làm gì ? Vì ngược hướng gió thổi, nơi ấy có ánh mặt trời. Cỏ có thể chẳng cần đến những nắng chói lóa, nhưng em thì cần, vì em là hướng dương. Em vẫn biết em đang chết dần mòn trong cơn gió không dứt này…

Bông hướng dương thứ ba:

Em là bông hướng dương trong 1 bồn lớn toàn hướng dương trong giữa công viên, xung quanh em toàn những bạn hướng dương khác. Em lắc lư trong nắng, em hò reo trong mưa bụi. Cánh hoa của em tràn đầy vẻ viên mãn và no căng sinh chất. Chẳng có điều gì đáng để phàn nàn,  cuộc sống đẹp lắm thay. Chỉ thỉnh thoảng, em – cũng như bạn bè – có cảm giác thiêu thiếu. Người ta hay kể loáng thoáng về những bông hướng dương, nơi đâu đó, đang chết khô từ từ bên dưới sự quên lãng, hoặc đang vươn lên ngược chiều gió dù úa tàn dần. Đôi khi, trong an bình, em cũng cảm thấy xót thương cho những bông hoa bất hạnh, và ước ao được 1 lần được ngược gió. Em là 1 bông hướng dương đẹp.

Bông hướng dương thứ tư:

Bông hướng dương thứ tỉ tỉ:

Sống trên đời được như bông hướng dương thứ 3, cũng thật là khó.

(Viết tiếp bài thu hoạch phần đầu – Xem lại tại đây)

Bài học thứ 3: Hãy biết cách chọn lựa và chờ đợi

Lựa chọn chắc chắn có lúc đặt ta vào tình huống rất khó xử và bối rối. Ta sẽ cảm thấy bị thiệt thòi hoặc đau đớn lúc ban đầu khi phải lựa chọn sự chờ đợi, thay vì thực thi một biện pháp nóng hòng giải quyết tình thế.

Hơn ai hết ông Diệu là người cảm thấy đau lòng trước tình trạng thất nghiệp ở mức cao của người dân Singapore vào những năm cuối thập niên 60. Sau 1 buổi lên hình trên đài BBC – trong chuyến thăm Anh quốc, ông Diệu nhận được lời đề nghị từ Marcus Sieff – Chủ tịch công ty Marks & Spencer. Marcus tỏ ý sẵn sàng giúp Singapore giảm bớt tình trạng thất nghiệp bằng việc ngỏ ý thành lập 1 nhà máy sản xuất lưỡi câu và mồi nhử câu cá hồi. Ông Diệu nhận ra Marcus đến đây với sự đồng cảm là chính (ông nghĩ có lẽ hình ảnh mình trên đài BBC trông rất “khốn khổ và tuyệt vọng”). 1 nhà máy sản xuất lưỡi câu và mồi nhử này sẽ tạo ra công ăn việc làm cho một số lượng lớn người dân, chủ yếu do nó hoàn toàn có tính thủ công, giản đơn: Sợi lông vũ được gắn vào mồi câu nhờ bàn tay khéo léo của những người gốc Trung Quốc tại Singapore. Ông Diệu đã từ chối. Để rồi sau đó, Mustad, nhà sản xuất lưỡi câu người Na Uy, đã thành lập nhà máy hoạt động với kỹ thuật tự động tại Singapore, mỗi năm sản xuất ra hàng triệu lưỡi câu.

Cách lựa chọn và chờ đợi nói trên của ông Diệu không phải là lối hành xử nhất thời. Nó xuyên suốt cách ông tư duy và hoạch định, từ những sự kiện nhỏ như trên, cho tới những sự kiện lớn hơn (như việc đặt nền móng phát triển cho ngành hàng không: Nên ngay lập tức xây đường băng thứ 2 tại sân bay có sẵn Paya Lebar hay phải xây 1 sân bay mới hoàn toàn tại Changi. Kết quả: Hiện tại sân bay Changi là 1 trong những sân bay hàng đầu châu Á và thế giới, luôn đứng trong top ở mọi cuộc bình chọn của du khách).

Một sự lựa chọn ăn xổi, nặng tính tình thế không bao giờ là sự lựa chọn đúng đắn. Sự lựa chọn đúng đắn không bao gồm phủ quyết sự chờ đợi.

“… Một dân tộc yếu đuối sẽ bỏ phiếu cho những người hứa hẹn về 1 lối thoát nhân nhượng, trong khi điều đó là không thể…” (Lý Quang Diệu)

Bài học thứ 4: Hãy giữ uy tín và niềm tin cho dù phải bị thiệt thòi

Một quốc gia nhỏ bé, không có kinh nghiệm trong công cuộc lập nước và giữ nước, phải đối mặt với đầy đủ những phức tạp trong nội bộ đa sắc tộc và những mâu thuận trong khu vực, làm sao để thành công? Một trong những điều kiện đơn giản đầu tiên: Đó là hãy giữ uy tín và niềm tin.

Ông Diệu thổ lộ quan điểm: Nguyên lý đơn giản cho sự sinh tồn, là cần phải phát triển tốt hơn nữa. Nếu Singapore chỉ ngang hàng với các nước láng giềng thì không có lý nào các doanh nghiệm phải xây dựng cơ sở tại Singapore. Song một đất nước mà nguồn vốn tài nguyên cùng thị trường nội địa gần như bằng zero, thì sự phát triển tốt hơn đó, bên cạnh tính tổ chức cao, còn phải dựa vào uy tín.

Ông Diệu đã từng định hướng cho Singapore là 1 nước Xã Hội Chủ Nghĩa trong buổi đầu lập quốc. Song ông đã chứng kiến lòng tham và sự suy đồi của những nhà lãnh đạo Cộng Sản châu Á, sau khi giành tự do cho dân tộc bị áp bức của mình, lại trở thành kẻ cướp vì sự giàu có của bản thân. Và ông quyết tâm kiến lập một chính quyền trong sạch. Ông giữ vững uy tín của chính quyền mình bằng chính sách siết chặt giám sát tham nhũng. Ủy ban Điều tra Hành vi Tham nhũng (CPIB) có quyền hạn lớn trong việc bắt giữ, khám xét, thanh tra tài khoản ngân hàng, tiền gửi v.v… của công chức bị tình nghi, cũng như của vợ, con và thuộc hạ của hắn. Thu nhập được công khai hóa. Bất kỳ chứng cứ nào cho thấy công chức bị tố cáo đang sống cuộc sống vượt quá khả năng kinh tế được công bố, hoặc sở hữu những tài sản mà thu nhập không thể biện minh được, đều là chứng cớ xác thực trước tòa cho tội danh tham nhũng. Đảng PAP của ông Diệu cũng hứng chịu thiệt hại từ chính sách chống tham nhũng của chính mình, kiểu như tích “Thương Ưởng“. Ông Diệu đã nói “Suốt từ năm 1960 tới năm 1980 mỗi một thập niên lại có 1 vị (Bộ trưởng)”: Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Tan Kia Gan bị trừng phạt sa thải, Quốc vụ khanh thuộc Bộ Môi trường Wee Toon Boon bị bắt giam, Chủ tịch NTUC và nghị sĩ đảng PAP Phey Yew Kok bị truy tố và phải chạy trốn theo hình thức tị nạn v.v… Thậm chí có trường hợp như  Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Teh Cheang Wan đã tự sát sau khi để lại bức thư thuyệt mệnh thừa nhận xấu hổ với hành vi tham nhũng của bản thân.

Giữ niềm tin cho bản thân nhỏ bé cũng bao gồm cho việc thể hiện sự tôn trọng tới bất kỳ ai có khả năng trở thành bạn mình. Guinness từng trả tiền đặt cọc cho 1 vị trí tại Jurong (Singapore) để xây dựng nhà máy sản xuất bia. Tuy nhiên, trước sự đe dọa của Bộ trưởng Tài chính Malaysia lúc bấy giờ, rằng nếu xây nhà máy bia tại Singapore, thì sẽ đừng hòng được cấp giấy phép nhập khẩu vào Malaysia, Guinness buộc phải xây nhà máy bia tại Kuala Lumpur (Malaysia), chịu mất tiền cọc. Singapore đang trong thời gian suy thoái, thiếu vốn, song chính quyền của ông Diệu đã trả lại khoản tiền đó, Vài năm sau Guinness liên kết với 1 nhà máy bia tại Singapore để sản xuất đúng loại bia đen hảo hạng của mình.

“… Nếu phải chọn 1 từ để giải thích lý do thành công của Singapore, đó chính là niềm tin…” (Lý Quang Diệu)

Một ngày

Có người nói với mình về tình thế tội nghiệp, đơn độc hiện tại của 1 kẻ khác. Mình vốn không ưa kẻ ấy vì thói khoác lác và đôi khi xấc xược, thậm chí mình từng bỏ phiếu chống việc kẻ ấy sẽ gia nhập nhóm chung với mình.
Sự bao dung dành cho 1 kẻ trong cơn nguy khó mới thật là quý giá và cần thiết. Tự dưng mình thấy tâm hồn mình đã quá nhỏ bé, dường như chưa có đủ chỗ cho sự bao dung.

Có người nói với mình rằng mình có khiếu thẩm mỹ và nhạy cảm, hãy đổi sang làm công nghệ đồ họa thay cho việc cày code như hiện tại. Chợt giật mình. Ừ nhỉ, thưở nhỏ mình đã chẳng phải toàn vẽ là vẽ đó sao. Một tuổi nhỏ còn in dấu những bậc thang tối quanh co ở câu lạc bộ Kiến Thức Kỹ Năng, đầm đậm mùi bút chì và vỏ bút chì đóng dầy dưới sàn nhà, ngai ngái mùi sơn nước từ những bảng tô loang lổ và những giá vẽ ken dày trong căn phòng hẹp. Giấc mơ kiến trúc sư những năm cấp 2 hãy còn đây.
Ước mơ hầu hết sẽ chỉ là ước mơ. Nhưng có những ước mơ rất gần, mình lại không lái được qua những ngả rẽ cuộc đời để tiến gần tới nó. Bỗng thấy hơi buồn, mình đã đi quá xa thì phải. Có lẽ đã tới lúc quay về đường cũ thôi.

Có người nói với mình về sự không hài lòng 1 cách gay gắt. Người ấy chắc chẳng biết mình cũng có những sự không hài lòng như thế dành cho người ấy. Ngôn từ là 1 tài sản của bản thân nhưng bất kỳ ai cũng khó kiểm soát. Mình cũng sợ không kiểm soát được ngôn từ nên mình đã cố không nói gì nhiều. Cảm giác muốn nhân nhượng mà không được nhân nhượng trở lại thật khủng khiếp. Đầu óc oang oang toàn những lời búa rìu kiểu tự kỷ ám thị.
Thương yêu và nuôi 1 con cọp con mà thiếu những hướng dẫn hoặc điều chỉnh hành vi, rồi khi nó lớn, mình sẽ khó sống cùng nó nữa, đôi khi nó còn làm đau mình. Có lẽ mình phải bớt thỏa hiệp đi trong hiện tại để có nhiều thỏa hiệp được chấp nhận hơn trong tương lai.

Có người khuyến cáo mình về nỗi hiểm họa lớn từ sự cực đoan của mình. Ừ nhỉ, toát cả mồ hôi. 1 cuộc sống vốn đã quá hỗn tạp. Những mảnh ghép xung quanh mình mà mình còn chưa nắm bắt được, bỏ quá nhiều công sức ra chỉ cho người khác những mảnh ghép liên quan xung quanh họ có lẽ cũng hơi thừa. Nhất là khi mình chẳng có ý trở thành 1 người định hướng chuyên nghiệp.
Con người vốn đã là 1 thực thể hoàn hảo. Chỉ cần cung cấp cho họ thông tin và định hướng suy nghĩ, tự khắc họ sẽ tránh được những đống tanh hôi treo lúc nhúc trên cao, mình chẳng nên lưu tâm đi hốt những đống ấy. Tự dưng thấy mình đã đi qua 1 quãng dài hơi cực đoan. Kể từ mai hãy chỉ hít sâu và từ tốn, không kịch liệt công kích nữa.

Và ngày mai

Những suy nghĩ non nớt mai sau sẽ còn thay đổi qua thực tại. Ngày hôm qua cũng là 1 ngày non nớt. Ngày mai sẽ là 1 thực tại – vừa đắng vừa ngọt: Ngày One Minute Manager – OMM xét tăng lương !

Gần 1 tháng trước đây bạn Ngọc tặng  mình quyển “Bí quyết hóa rồng” (1) của Lý Quang Diệu (cảm ơn bạn Ngọc thân yêu lần nữ a nhé :P). Vì nhiều lý do, hiện tại mình mới đọc tới trang 115. Một trong những lý do chính là nhiều kiến thức sự kiện – đôi khi giữ vai trò chủ đạo – đan lồng trong những tiến trình ông Diệu kể, mình không biết + xâu chuỗi được (lúc đó phải online search tư liệu xóa mù). Một trong những lý do khác, dễ đoán là … lười.

Tuy nhiên, vài hôm trước ở chỗ làm, mình có cãi nhau rất kịch liệt – qua chat Skype thôi – trong chat group những người làm chung với 1 thằng bạn. Trước những kêu gào đòi cải cách xã hội ở nhiều mặt, cái cách nó đá hiếng kiểu : “Mày nói kiểu ấy không ai tin được đâu, chắc gì vứt cái áo cũ dơ đã mặc được cái áo mới đỡ dơ hơn” làm mình hơi bực. Bây giờ nhân nửa đêm mát mẻ, tự nhiên muốn viết vài dòng tóm lược lại những gì mình đã thu hoạch được khi đã đọc + nghĩ về 115 trang đầu của “Bí quyết hóa rồng”. Không vì những dư âm bực bội trong cuộc cãi vã hôm nọ, cái chính là viết để mình tự suy ngẫm thêm đợt nữa, và một phần để những người đang nghi ngờ “áo mới dơ hơn áo cũ” nhận ra được 1 hướng lờ mờ nào đó của tiến trình cải cách. Tay ngang + nông cạn thôi, nhưng đã mở editor viết bài rồi thì tay vẫn cứ phải gõ ra.

Bài học đầu tiên: Hãy biết tự định hướng

Định hướng ở đây không phổ quát như từ “tầm nhìn” mà nhiều người đã đề cập về Lý Quang Diệu – Singapore. Ở đây chỉ bàn định hướng – đơn giản là việc xác định chính xác mục tiêu kế tiếp cần thực hiện.

– Singapore là 1 đất nước với xuất phát điểm tự nhiên có quá nhiều hạn chế. Đất nước 1 thành phố này thậm chí tới nước ngọt cũng phải nhập. Với diện tích và nhân lực quá nhỏ bé, Singapore hội tụ đầy đủ những điều kiện cần để trở thành 1 miếng mồi dễ xơi cho các  nước lân cận trong thời gian đầu (từ đầu thập niên 60) khi tình hình khu vực còn đầy rẫy bất ổn. Ông Diệu ý thức được những điều này, và ông chọn vấn đề quốc phòng phải được đặt trọng tâm, đặt lên trên tất cả. Song tiếp theo, sự lựa chọn giữa “Nhún nhường” hay “Được bảo hộ phòng vệ” hay “Tự phòng vệ” lại không đơn giản.

Nhún nhường & Dựa vào bảo hộ quân sự

Gần 2 năm tự nguyện nằm trong Liên bang Malaysia đã cho thấy những rạn nứt khó hàn gắn, không chỉ là xung đột sắc tộc người Hoa – người Malay. Bước ngoặt thứ 2 được tính tới, song chọn ai để nương tựa ?

Bước 1, ông xác định Singpapore phải thuộc về chiến tuyến đối nghịch với Chủ Nghĩa Cộng Sản – đang là 1 hấp lực đối với các nước thế giới thứ ba thời bấy giờ. Mặc dù những ngày đầu độc lập, Singapore đã từng có lúc có xu hướng ngả theo thể chế Xã Hội Chủ Nghĩa dân chủ, nhưng ông Diệu nhanh chóng nhận ra những mâu thuẫn khó khắc phục, và ông chuyển hướng ngay lập tức.

Bước 2 – chọn đồng minh cụ thể. Ông phải lựa chọn hoặc Mỹ, hoặc Anh. Suốt những năm sau đó – cho tới tận cuối thập niên 70, những hoạt động chính yếu của ông là không ngừng nghỉ đi lại và vận động để người Anh, cũng như  Khối Thịnh vượng chung do Anh đứng đầu tiếp tục chương trình bảo hộ quân sự trực tiếp.

Tự phòng vệ

Ông Diệu đã tính tới bước 3 ngay sau khi kế hoạch rút quân của người Anh được công bố sơ bộ (hạn thời gian là đầu những năm 70). Singapore lao vào trang bị xe tăng loại nhẹ, xe bọc thép cơ động v.v… Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh là Dennis Healey đã từng bật cười khi nghe ông Diệu và phụ tá ngỏ ý muốn mua máy bay Hawker Hunter vì tưởng ông đùa. Healey cười không phải vô lý, hiếm có ai ở cương vị của ông Diệu có tầm nghĩ xa tới mức ấy, khi mà Không lực Hoàng gia Anh vẫn còn kế hoạch ở lại lâu dài trên đất Singapore.

Bài học thứ 2: Hãy chọn bạn mà chơi

Ông Diệu từng đứng trước bàn cân, 1 đầu là Mỹ (đang phát triển rộng ảnh hưởng song quy cách tự thể hiện khiến họ trở nên không đáng tin), 1 đầu là Anh (đang mất dần ảnh hưởng song vai trò truyền thống mẫu quốc, họ có cách đối xử bặt thiệp hơn nhiều). Quyết định chọn Anh của ông không chỉ đơn thuần chỉ nhìn vào thái độ cư xử chính trị, ông còn đặt vị thế và tình thế của Singapore trong mối quan hệ so sánh với các tấm gương xung quanh như chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, Thái Lan, Philippines. Ông đã không lầm.

Đối với các phe cánh trong chính phủ của Anh, ông biết dung hòa bằng đối thoại và thương thuyết. Trong những chuyến công du, tham gia thảo luận, đứng diễn thuết trực tiếp, bằng vốn kiến thức sâu rộng và tài năng hùng biện của mình, ông thường thuyết phục được những người-bạn, thậm chí tiến được gần hơn những người-chưa-phải-là-bạn trong chính quyền Anh để từ đó, đạt được những gì mong muốn từ đồng minh lớn.

Bạn bè theo ông Diệu, không bị hạn chế bởi những khoảng cách vật lý hoặc những “tai tiếng” mà họ phải chịu, miễn họ mang lại cho Singapore lợi ích thiết thực. Israel là một điển hình. Israel đáp lại lời ngỏ ý và giúp Singapore huấn luyện, hoạch định xây dựng quân đội. Song Singapore luôn đáp ứng lại những yêu cầu từ phía Israel một cách hữu nghị, có chừng mực – từ việc dứt khoát nói không thể khi Israel muốn Singapore công nhận Israel và chính thức trao đổi đại sứ trong lúc cộng đồng thế giới đang đầy ác cảm với Israel. Cũng như khi cuộc chiến 6 ngày nổ ra (2), Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu việc lên án Israel, ông Diệu đã thận trọng, toàn vẹn dành cho người bạn này lá phiếu trắng.

(Còn tiếp)

Chú thích:

(1): Tựa gốc: “From 3rd world to 1st – The Singapore Story : 1965 – 2000” (Từ thế giới thứ 3 tới thế giới thứ nhất – Lịch sử Singapore từ năm 1965 tới 2000)

(2): Cuộc chiến 6 ngày năm 1948 còn gọi là chiến tranh khối Arab – Israel

Nhà tôi nuôi 6 con mèo. Tên của bọn nó là : Khỉ, Na, Hai, Ba, Út và Tủn. Trong 6 con thì Na, Hai, Ba, Út đều là con của Khỉ đẻ ra, đều giống mèo mướp. Chỉ có duy nhất con Tủn là giống mèo lông vàng lạc bầy, chẳng có quan hệ gì với 5 con còn lại. 6 đứa, mỗi đứa 1 tính cách. Mẹ tôi yêu chúng lắm, xem chừng coi chúng chẳng khác là mấy so với tôi và thằng em. Tôi và thằng em chẳng lấy đó mà ghen tị, chúng tôi cũng yêu quý chúng như những người thân trong gia đình.
“Con Khỉ hiền mà nuôi con rất khéo” – Mẹ thường nói thế. Quả là nó khéo thật, trước khi triệt sản, 4 đứa con nó đẻ ra đều khỏe mạnh, lớn nhanh như thổi. Khỉ cũng là 1 đứa rất khôn. Từ những việc kiểu như tiêu tiểu luôn đi vào nhà vệ sinh, đi đúng 1 nơi chỗ nước thoát xuống, nó còn biết nhường nhịn con, tới cả cách nó biết lấy lòng người trong nhà đúng lúc, còn với người lạ thì nó lẩn biệt. Khác hẳn bọn còn lại thường bám lấy, vòi vĩnh người, Khỉ chỉ thường nằm ở góc nhà, nơi cửa bếp có dựng những chiếc ghế xếp dựng sát tường. Tôi gọi nó là 1 con mèo trầm tĩnh. Trầm tĩnh ngay cả khi cả bầy ăn chung, bị con nó – giờ đã lớn – giơ chân quặc vào người tranh phần, nó sẽ chỉ lững thững đi lùi ra sau, nằm gối đầu lên chân, mơ màng nhìn đàn con ăn xong, rồi mới nhỏ nhẹ ăn những miếng còn sót lại. Trầm tĩnh ngay cả khi tự nhiên nó bị con mình cào đuổi đi, thì có thể vài phút sau, nó đã quay lại liếm láp cho con. Nhìn nó, tôi nghĩ ra được rằng: Cho dù là loài vật hay con người, bản năng và tình thương của người mẹ luôn hiện hữu.
Con Khỉ được 9 tuổi rưỡi.
Vốn dĩ nó cũng không phải là 1 con mèo đẹp, người nó là 1 sự bố cục lung tung những vệt vàng,cam nho nhỏ trên màu lông mướp, trên cái mũi nhỏ lại có 1 vết như là nhọ nồi. Bước qua ranh giới ngăn cách giữa trẻ & già, lông nó lại càng thưa đi và nó cũng không còn nhanh nhẹn nữa.
Thỉnh thoảng Khỉ đi chơi. Lâu thì cả tuần, thường ngắn thì chỉ 1 ngày là về. Cả tuần này nó đã vắng nhà. Mẹ tôi tỏ ý lo lắng thì thằng em trấn an: “Ui dào mèo mà, giống của nó phải lang thang thế”. Thế rồi trưa hôm qua nó về. Nó về, đứng bần thần trước cái chậu rửa chén. Mẹ tôi cứ tưởng nó khát nước nên giục nó uống. Tới gần thì ngửi thấy 1 mùi thối. Cả 2 mẹ con – mẹ tôi và thằng em – nghĩ nó đi chơi, lọt vào hố phân hay bị dính bẩn, nên ôm nó vào buồng tắm, tắm cho nó. Tắm rồi vẫn ngửi thấy mùi hôi, mãi sau thằng em mới phát hiện mùi hôi xuất phát từ 1 vết thủng ở phần dưới đùi, sâu, có lẽ đã nhiễm trùng. 2 mẹ con lật đật ôm nó lên trạm thú y trên Lý Chính Thắng. 3 bác sĩ thú y khám cho nó, rồi bóc đi phần thịt nhiễm trùng, rịt thuốc và tiêm cho nó, dặn sáng mai mang lên theo dõi tiếp.
Mẹ đặt nó nằm trong cái thùng lót vải. Khỉ mê man đi. Nó mê man ngay khi vừa được mang về tới nhà vào lúc tối. 3 tiếng sau thì nó mất. Mắt nó mở to. Mẹ tôi khóc rấm rứt, vuốt mắt nó và lấy giấy mỏng đắp lên để kiến không bu vào. Tôi về, nghe thằng em kể mới hay. Tôi ngồi khóc cạnh cái thùng cạc-tông, vuốt những sợi lông lơ thơ, nhìn Khỉ nằm đấy, da bụng em còn căng ấm. Mới tuần trước thôi, tôi còn mắng rồi bế em xuống khỏi nóc tivi. Giờ em đã đi rồi.
Gần 1h sáng, đường phố lạnh và vắng.  3 mẹ con khóc tức tưởi chôn em dưới gốc cây trước nhà. Em trai tôi ôm em bọc trong tấm vải len. Tôi và mẹ cầm bay xới đất lên, nước mắt tong tỏng nhỏ xuống những mảng đất thẫm màu. Em trai tôi đặt Khỉ xuống dưới những rễ cây già và dài. 3 người òa khóc. Tôi sờ vào em lần cuối, rồi gạt đất xuống. 3 mẹ con mỗi người thắp cho em 1 nén nhang.
Tôi vẫn nhớ đôi mắt xanh trong của em, nhớ cả tiếng kêu “Meo” tròn trịa và thanh nhỏ mỗi khi vẫy gọi “Khi Khỉ, Khi Khỉ”. Cái góc nhà nơi dựng những cái ghế xếp em hay nằm vẫn còn đấy, mà gia đình này từ nay đã vắng bóng em rồi.
Vĩnh biệt em Khỉ

Colleen McCullough chỉ là 1 y tá bình thường, nhưng trong suốt 4 năm, bà đã sáng tạo cho độc giả 1 truyện tình trong nỗi đau tuyệt vời giữa Mecghi và cha Ranfo. Mike Ashley là vị chủ tịch của 1 câu lạc bộ thuộc dạng được ưa thích nhất nước Anh, và chỉ trong vòng 1 năm, ông đã trao cho các cổ động viên Newcastle 1 bi kịch chất đầy u uất.

Newcastle thua Aston Villa 1-0, chính thức tụt hạng trong trận đầu mà lẽ ra họ đã có thể tự quyết định số phận của mình. Trên sân Villa Park, sau trận đấu, văng vẳng đâu đó giữa những tiếng la hét của các cổ động viên là tiếng kêu thoi thóp của Chich Chòe đã vướng phải, rồi chết dần trong mớ gai rậm do chính ông chủ tịch trồng lên.

Trong 1 mùa giải Mike Ashley điên loạn quay cuồng với vũ điệu sa thải-bổ nhiệm-sa thải-bổ nhiệm… Newscastle tuột dốc không phanh, mất sạch tất cả, từ phong thái, sự tự tin, và thậm chí cả sự tỉnh táo. Nhìn những Owen, Coloccini, Butt, Duff, Guthrie, Nolan v.v… chơi bóng, chẳng ai nghĩ ràng họ xứng đáng với giá bạc triệu. Song sự vật vờ này không bắt nguồn từ chuyên môn của họ. Nói chính xác nó bắt nguồn từ sự dao động, mất niềm tin. Dennis Wise,  Kevin Keegan, Joe Kinnear, thậm chí cả Alain Shearer cũng góp phần vào sự hỗn loạn này.

Trong câu truyện của Colleen McCullough, nhắc tới 1 truyền thuyết kể về 1 loài chim, ngay khi rời tổ đã bay đi tìm 1 loài cây có cành gai nhọn. Nó sẽ bay mãi, cho tới khi tìm được loài cây này. Cất tiếng hót giữa những cành gai nhọn hoắt, rồi nó lao thẳng vào cây gai dài và nhọn nhất. Ngập chìm trong cơn đau đớn và sự hấp hối, con chim cất tiếng hót tuyệt vời vút cao – tiếng hót đánh đổi bằng cả sự sống – Sự diệu kỳ đánh đổi bằng niềm đau vô tận. Mike Ashley không cố ý, nhưng chính ông là người tạo nên 1 cảnh tương tự, điểm khác biệt là Chích Chòe chỉ mang tới cho các fan của họ nỗi hoài cổ về 1 vinh quang ngọt ngào đã xa trong khi chính nó đang chết 1 cách lặng lẽ, và bất lực.

Newcastle mùa 95-96: Á quân. Đó là 1 đội bóng quyến rũ, hấp dẫn với những cá nhân như David Ginola, Les Ferdinand, Faustino Asprilla. Song Kevin Keegan mới chính là niềm cảm hứng của cả đội, phong cách hồn nhiên của ông thấm đẫm ở 1 Newcastle chỉ biết tấn công, tấn công và tấn công.

Newcastle mùa 2007-2008: Sam Allardyce không khởi đầu quá tồi, và trong khi ông vẫn đang cố nhào nặn Newcastle thành 1 đội bóng theo như cách ông đã làm ở Bolton, thì Mike Ashley quyết định thay thế ông bằng Kevin Keegan. Đưa 1 con người của quá khứ quay trở lại với đội bóng hiện tại chính là bước khởi đầu mà ông chủ tịch, cùng cựu-boxer-trên-sân-bóng Dennis Wise, lái đường bay của chim Chích Chòe về hướng bụi rậm gai.

Newcastle mùa 2008-2009: Kevin Keegan chịu chung số phận cùng Big Sam ở cùng thời điểm. Lực lượng của Newcastle không hề kém cạnh bất kỳ ai, đã được bổ sung Bassong, Kevin Nolan, Jonas v.v… song không 1 huấn luyện viên nào chấp nhận nắm đội. Điều này cho thấy những bất ổn thậm chí là rệu rã trong nội bộ đội bóng. Joe Kinnear rồi Alain Shearer được gọi tới. Joe là 1 huấn luyện viên lão làng nhưng ông phải hướng sự để tâm vào vấn đề tim mạch của mình, còn Shearer thì rõ là 1 kẻ chữa cháy nghiệp dư. Sự lựa chọn sai lầm của Mike càng đưa Newcastle lạc vào mê hồn trận khủng hoảng không lối ra.

Shearer có thể là 1 nhà bình luận khá, song tài cầm quân của ông thì rất tầm thường, thậm chí là tồi. Những cải cách tức thời mà các cổ động viên Newcastle mong đợi ở ông đã không phát huy hiệu quả. Những suy nghĩ về “tượng đài của đội bóng” như chính tư thế của ông đối với đội trớc đây, đã tạo ra những thay đổi vụn vặt, thiên về cảm tính. Kết quả là chỉ 1 trận thắng trong chuỗi cầm quân của chân sút vang bóng 1 thời này. Tại sao không trọng dụng Ameobi, Martin ? Tại sao mãi giữ trên sân xác khô di động như Owen, hay niềm hy vọng chưa đủ lớn Carroll ? Tại sao 1 thủ lĩnh bẩm sinh như Nolan, 1 cầu thủ thuộc dạng tiềm năng lớn như Guthrie lại không phát huy hết được những phẩm chất của mình ? v.v và v.v… Hẳn các fan Newcastle còn ngẩn ngơ suốt buổi hôm nay với vô số câu hỏi không lời đáp.

Newcastle đã xuống hạng trong sự buông xuôi. Con chim Chích Chòe đã chết hẳn, tiếng nó sẽ không còn rả rích ở giải Premier League nữa. Nhưng niềm hy vọng cho 1 kiếp sống mới vẫn còn đó. Ashley đang tính cách bán đội càng nhanh càng tốt. Đó là cách ông tự giải thoát cho mình lẫn các cổ động viên – những người đã quá đen đủi khi cố tránh vỏ dưa (Sherpherd) lại gặp vỏ dừa (Mike Ashley). Chắc chắn nhiều người sẽ thu xếp hành trang rời sân St James Park trong hè này với những tư thế khác nhau: Thất bại (Owen, Butt, Duff …), Trốn chạy (Coloccini, Guthrie, Xisco …) hay thậm chí chỉ là Bị bắt buộc (Viduka, Cacapa …), nhưng dòng máu tự hào của người dân vùng Teenside vẫn còn nguyên, họ đã sẵn sàng cho 1 cuộc đổi máu với tuyến trẻ khá hùng hậu – gồm đa số các cầu thủ người Anh.

Con chim đã dứt tiếng hót trong bụi mận gai song đừng buồn, đó cũng là lúc kiếp tái sinh chuyển hồi. Dưới hình hài 1 con chim khác, nó sẽ lại tìm 1 bụi mận gai mới, lao vào để hiến dâng tiếng hót tuyệt diệu trong đau đớn.

Liên tưởng về 1 Newcastle 2010-2011 mang dáng dấp của Newcastle 1995-1996 …

Ánh sáng gần nhất từ quá khứ : FA Cup 2005

“… Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em, anh đi tìm mùa xuân trên đời …” – Đã có nhiều người ngâm nga câu hát này. Cũng có nhiều cổ động viên (CĐV) của Arsenal cũng rấm rứt hát câu này, chỉ có 1 thay đổi là họ thay chữ “tháng” bằng chữ “năm”.

Tháng 5. Cũng vào thời điểm này, lần gần nhất mà Arsenal mang lại niềm vui lớn cho cổ động viên của họ đã cách đây 4 năm. Đó là 1 buổi tối nhiều cảm xúc, ranh giới giữa địa ngục và thiên đàng của các CĐV Arsenal cũng mong manh như chính đội hình ra sân của đội bóng. Henry vắng mặt vì chấn thương, Wenger cẩn thận chỉ để duy nhất “thầy giáo bóng đá” Bergkamp ở tuyến đầu. Arsenal chống đỡ hầu như suốt 120 phút với tư thế của kẻ yếu hơn, trụ vững và chiến thắng sau 5 lượt đấu súng nhờ Lehmann. Trong 1 ngày thót tim, cục xúc xắc số phận đã đổ trúng mặt đỏ cho màn trình diễn của Jens, trong 1 mùa giải mà phong độ và số lần ra sân-dự bị của anh chạy ngoằn nghoèo như đồ thị hàm số.

“Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ ?”

Tháng 5. Sài Gòn không phải là mùa đẹp trời, chắc hẳn ở London cũng thế, nó tạo 1 cảm giác hoài tưởng cho 1 ai đó là fan của Arsenal qua 1 mùa giải có nhiều nốt trầm. 4 năm không phải khoảng thời gian quá dài, nhưng những con người chiến thắng năm ấy, bây giờ đang ở đâu ?

Lehmann đang kéo lê những bước cuối trong cuộc đời tại Stuttgart, và có lẽ anh sẽ ngưng bước vào mùa hè năm nay khi hợp đồng đáo hạn. Lauren mòn mỏi tại Portsmouth, nơi người ta chỉ coi anh là giải pháp tình thế hết cho vị trí hậu vệ trái lại đến tiền vệ phải v.v… khi đã hết người. Cole vui vầy tại Chelsea sau khi rũ sạch cả ân lẫn oán với câu lạc bộ cũ. Gilberto, vẫn thầm lặng nhưng tinh thần chơi bóng tận tụy đang biến anh trở thành 1 thủ lĩnh ở tận… Hy Lạp. Vieira hài lòng với 1 suất dự bị cho Muntari tại Inter, có lẽ đích ngắm của anh trong thời gian tới là không phải những danh hiệu nữa mà là tấm vé máy bay sang Trung Đông hoặc Mỹ. Pires (Villareal) và Edu (Valencia) giống hệt Vieira, chỉ hơn ở chỗ 2 người chắc sẽ dễ gọi điện an ủi nhau hơn vì họ cùng ở Tây Ban Nha. Ljungberg thậm chí nhanh chân hơn cả 3 người trên, đã ổn định ở Seattle Sounders thuộc giải nhà nghề Mỹ. Reyes giống hệt trái bóng dưới chân anh, đã lăn từ Real Madrid tới Athletico Madrid, giờ đang lận đận tận Benfica (Bồ Đào Nha). Bergkamp không còn trình diễn cho mọi người thấy những màn trong “Sách giáo khoa bóng đá” nữa, nhưng anh có thể hoàn toàn hài lòng với vị thế của 1 huấn luyện viên tuyển Hà Lan B. Cuộc sống bên ngoài sân cỏ của anh cũng mỹ mãn với gia đình hạnh phúc và đàn con thơ đủ cả nếp tẻ (3 gái 1 trai).

Những niềm hy vọng của ngày nào: Đã từng mang nhiều kỳ vọng, Senderos sẽ trở về vào đầu tháng 6 sau 1 năm “du học” ở Ý, nhưng sẽ chẳng có gì đảm bảo cho anh khi mà gần đây thôi, Wenger thổ lộ ý định tăng cường 1 hoặc 2 ngôi sao gia cố cho hàng thủ. Tài năng của anh cũng chẳng có gì bảo đảm cho câu lạc bộ khi mà tại Milan, anh vẫn phải dự bị trường kỳ cho những hậu vệ hom hem như Maldini (41 tuổi) hay Favalli (37 tuổi). Toure đã tụt dốc quá nhanh, đến nỗi đôi khi người ta thấy phảng phất ở anh hình ảnh của Senderos, với cái bóng của Silvestre (32 tuổi) đứng phía trước anh. Van Persie và Fabregas đã trở thành nòng cốt của thế hệ “đàn trẻ nhà Wenger” mới, nhưng những mối nghi ngờ về tham vọng của câu lạc bộ cộng với những hấp lực từ Đức, Ý, Tây Ban Nha đang ngày một bào mòn niềm tin trong họ. Rõ nhất là thái độ chần chờ trong việc thương thảo hợp đồng mới của Van Persie cùng những lời nói bóng gió về chuyến trở về quê nhà Catalonia của Fabregas.

Bóng tối nào đang phủ lên hiện tại ?

  1. Một trong những điều luôn song hành với huấn luyện viên trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp là áp lực. Điều này càng thể hiện rõ ở những giải vô địch hàng đầu, ví dụ giải Premier League của Anh. Phải khẳng định, ngoài là yếu tố tiêu cực tác động lên tinh thần đó còn là 1 động lực tích cực. Người ta hay thích nói đến 2 trường hợp ngoại lệ của Alex Ferguson và Arsène Wenger: Gắn bó được với câu lạc bộ của mình trong 1 thời gian dài, rất dài mà không vơi đi tình yêu bóng đá đích thực. Thật ra, từ lâu rồi, người ta đã quên, cố quên đề cập đến 1 trường hợp nữa: Wenger có lẽ là huấn luyện viên duy nhất luôn có vị trí vững như bàn thạch trong lòng các cổ động viên, cầu thủ, các nhà quản lý của Arsenal cho dù Arsenal đã và đang khát những danh hiệu lớn cả trong những thời điểm quá khứ lẫn hiện tại. Wenger thiếu áp lực để làm 1 cái gì đó mang tính thực thi hơn, cụ thể hơn, để tự thoát ra những thói quen lâu ngày đã trở nên xơ cứng. Hãy xem lại những trận đấu gần đây nhất, rồi những trận đấu cách đây 4 năm, cho dù là đấu với Porthmouth hay Chelsea, cho dù đang dẫn 3-0 hay bị dẫn 1-3 hay đang dẫn 2-0: Luôn luôn là đội hình 4-4-2 khi đông đủ và 4-5-1 khi quá thiếu người . Luôn luôn là 1 cách thay người – khoảng phút 65 hoặc 70 trở đi, 2 vào 2 ra gần nhau sao cho luôn bảo toàn tính bất biến của đội hình – nếu tiền đạo vào thay tiền vệ thì 1 tiền đạo trong sân sẽ lui xuống đá thay tiền vệ vừa ra, nếu tiền vệ thay hậu vệ thì 1 tiền vệ trong sân lùi xuống đá thay hậu vệ vừa ra… Một cách điều chỉnh quá mộc mạc. Tại sao không là những cách xử lý tình huống khác? Chúng ta hãy thử hình dung 1 chút về sự khác biệt: Bản Giao hưởng Ánh Trăng của Beethoven với tính ảo diệu bất ngờ của nó – bắt đầu với Adagio êm dịu, bỗng bi hoài với Allegretto, rồi đoạn cuối chợt vút lên cao. Nó tuyệt hơn nhiều những giai điệu đều đều, buồn chán của những ca khúc tuyên truyền có đời sống ngắn ngủi.
  2. Một đội bóng sẽ được lịch sử mãi mãi nhớ tới bởi điều gì ? Đơn thuần là lối chơi ? Có ai còn nhớ đội Brazil của Telê Santana ở World Cup 82, 86 đã múa samba đẹp ? Hay họ chỉ nhớ tới đội vô địch World Cup 90 là Đức – cho dù Đức đã chơi thiếu thuyết phục trước Argentina của Maradona như thế nào thì ai cũng biết. Một đội bóng được lịch sử đánh dấu son là 1 đội bóng có danh hiệu, và biết chiến đấu, hy sinh vì danh hiệu. Ban lãnh đạo Arsenal không sẵn sàng vì danh hiệu. Một hướng phát triển bền vững là tốt, nhưng 1 hướng phát triển quá cầu toàn lại mang những nguy hiểm tiềm ẩn lớn tới tương lai (Những vụ Hleb, Flamini là hệ quả dễ thấy nhất, vì đối với chính sách an toàn của câu lạc bộ, họ không thấy tương lai sáng lạn cho cá nhân mình). Leeds là 1 ví dụ tốt để phản biện, nhưng với cùng một mục tiêu, đặt Leeds và Arsenal lên 1 bàn cân thì rõ ràng vị thế của 2 câu lạc bộ là hoàn toàn khác nhau. Vả lại, hãy nhìn sang MU – với 1 số nợ không chênh lệch quá lớn (MU : trên 700 triệu, Arsenal : 568 triệu bảng), nhưng với chiến lược tăng cường lực lượng đang thực hiện, ông trùm này đã vững tin đi trước Arsenal 1 bước dài trên nhiều mặt.
  3. 1 lý do bất ngờ khác đối với nhiều người, đó chính là … kết quả ở mùa bóng sắp chấm dứt. Vì nhiều lý do, đội hình hiện tại trong mùa giải này hiếm có cơ hội làm các fan ruột mãn nhãn. Wenger thừa hiểu điều này. Trong tình cảnh vấn nạn chấn thương lây lan như bệnh dịch hạch ở Ashburton Grove, cộng với chính sách nhân sự chắt bóp, Giáo sư thường sử dụng đội hình với tính chất xoay vòng vị trí (trường hợp điển hình là Nasri đá ở trung tâm, hay Cesc có lúc được bố trí đá gần nhất với tiền đạo cắm), hoặc buộc phải sử dụng nhiều quân bài mà bản chất lối chơi của họ, theo đa số fan, vốn đã không phù hợp với lối chơi được định dạng sau thời “Boring boring Arsenal” (như Bendtner). Tuy nhiên, với nhiều lý do khách quan khác (lại nhiều lý do, chủ đạo có thể kể về sự may mắn của Arsenal ở Champion League hay sự thiếu ổn định của tốp ngựa ô tại Premier League), mà thành tích của Arsenal không đến nỗi quá tồi : Hạng 4 giải Premier League, bán kết C1. Dựa vào những kết quả này, sau trận hòa ở thế trên cơ với MU – mà nhiều người – thậm chí có cả Wenger – vẫn cho rằng những chỉ trích nhắm vào đội là quá khắc nghiệt . Rõ ràng điều này ngăn cản sự cải tổ cho mùa bóng tới – ít nhất là về mặt sắp xếp nhân sự.

Có tia sáng lấp lóe đâu đó không ?

  1. “In Wenger we trust” “Keep the faith” … Không phải ngẫu nhiên mà những hàng khẩu hiệu này vẫn được kiên trì dăng trên khán đài sân Emirates cho dù Arsenal vừa trải qua thất bại tủi hổ. Niềm tin dẫn đến thành công đó phải thuộc về thì tương lai. Những Almunia, van Persie, Arshavin đang ở độ chín của sự nghiệp. Những Fabregas, Nasri, Clichy, Sagna đã và mỗi ngày thêm chín chắn. Toure, Eduardo, Diaby, Walcott còn nhiều cơ hội để chứng tỏ, hoặc khẳng định lại bản thân, từ đây đến tháng 9 hãy còn đến 4 tháng! Đó sẽ là bộ khung cơ bản khá vững cho 1 Arsenal mới sau mùa hè năm nay, hoặc là không bao giờ!
  2. Tại sao chúng ta không nói với nhau bằng 1 phản xạ như từ trước đến giờ – tức là đả động tới những mầm non? Gibbs, Vela, Denilson, Djourou, Fabianski, Ramsey, Wilshere … có tài năng, điều này không phải bàn cãi. Vấn đề là đội hình chính Arsenal rất khó để hòa nhập, đặc biệt với các cầu thủ trẻ – 1 phần vì tính chất lối chơi thuộc loại phức tạp nhất ở Anh, 1 phần khác vì cách dùng người của Wenger. Điều đó, đáng buồn thay, lại đưa đến 1 kết luận chắc nịch: Chắc chắn, mùa giải 2009 – 2010 sẽ không có 1 đột phá nào lớn tới từ các cầu thủ trẻ hiện thời. Điều này càng được củng cố khi ta nhìn vào những người có triển vọng nhất: phía trước Gibbs còn có Clichy – đã 2 mùa đá chính nhưng chưa khắc phục được nhược điểm tâm lý, phía trước Vela là 3 tiền đạo chủ lực, Denilson không/chưa phải là mẫu cầu thủ Arsenal cần… Nói cách khác, chúng ta không nên tiếp tục kỳ vọng lớn vào các cầu thủ ở đội trẻ Wenger đang có nữa. Nguồn lực đột phá sẽ chỉ đến từ phía bên ngoài, theo như những gì Wenger vừa hế lộ : Ông sẽ cần 1 hoặc 2 cầu thủ lớn.

Arsène-Arsenal đã và sẽ cần gì ?

Sẽ là 1 câu hỏi mở. Bởi xét về những diễn tiến ở Arsenal trong khoảng 5 năm gần đây, bất cứ suy đoán nào cũng trật chìa. Wenger cùng bộ sậu của ông có 1 cách suy nghĩ độc lập, ít nhiều mang tính bảo thủ. Đối với đa số fan thì đương nhiên luôn là : Tiền, vài thương vụ chuyển nhượng thật chất lượng, sự sàng lọc lại đội ngũ ở 1 mức độ nào đó nhằm tránh những thử nghiệm không cần thiết – rào cản cho sức mạnh của đội (Dĩ nhiên cần tránh những ý kiến cực đoạn ví dụ như khinh rẻ Almunia. Almunia, đương nhiên không thể bằng Buffon, những ý kiến phê bình nhắm vào anh là hơi vô lý. Về bản chất, nó mang tính hờn dỗi vì số bàn thua Arsenal phải hứng chịu thì đúng hơn. Điều này cũng giống như 1 người bình thường dằn vặt với câu hỏi: Tại sao tôi không thông minh được như Bill Gates).

Trang sau »